Ngày 14/1, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã kêu gọi các quốc gia châu Phi cần tập trung hơn nữa giải quyết các thách thức từ khủng bố, vấn đề di cư, quản trị đất nước, đặc biệt là tự đối phó những mối đe dọa an ninh ở cấp độ quốc gia và châu lục này.
Phát biểu tại Hội nghị Cấp cao Pháp-châu Phi tại thủ đô Bamako của Mali, Tổng thống Hollande nêu rõ cuộc chiến chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, lực lượng khủng bố và vấn đề di cư là những ưu tiên hàng đầu của Lục địa Đen hiện nay vì chủ nghĩa khủng bố đang gia tăng mạnh tại khu vực này và vấn đề di cư từ châu Phi sang châu Âu, nhất là khu vực Sahel và cận Sahara châu Phi, đang đặt ra những thức to lớn không những đối với châu Phi mà còn đối với châu Âu, nhất là Pháp.
Ông cho biết mặc dù Pháp đã quyết định rút toàn bộ lực lượng vũ trang ra khỏi Cộng hòa Trung Phi và Mali nhưng nước này vẫn duy trì hơn 4.000 binh sỹ ở khu vực Sahel, bao gồm Mali, Nigeria, Niger, Chad, Sudan, và duy trì các căn cứ quân sự tại Senegal, Djibouti và Gabon để tham gia vào cuộc chiến chống khủng bố ở khu vực này khi cần thiết.
Theo Tổng thống Pháp, mặc dù giảm thiểu sự tham gia, can thiệp quân sự trực tiếp vào các cuộc xung đột ở châu lục này, nhưng Pháp vẫn tiếp tục hỗ trợ châu Phi trong việc cung cấp trang thiết bị quân sự, tăng cường đào tạo, huấn luyện quân sự cho các quốc gia châu Phi, nhất là các địa bàn "nóng."
Nhân dịp này, Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault đã thúc giục các quốc gia châu Phi cần tự đối phó với các mối đe dọa an ninh mà họ phải đối mặt, nhưng cũng cần có sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ trong cuộc chiến chống khủng bố và vấn đề di cư vì đây là vấn đề lớn và thách thức chung của cả khu vực.
Phát biểu tại Hội nghị Cấp cao Pháp-châu Phi lần này, Ngoại trưởng Burkina Faso Alpha Barry cho biết các mối đe dọa khủng bố không chỉ là vấn đề an ninh mà còn tác động rất lớn đối với việc điều hành, quản lý đất nước và ảnh hưởng to lớn đến phát triển kinh tế.
Tại hội nghị lần này, các nhà lãnh đạo Pháp và châu Phi cũng tập trong thảo luận về vấn đề di cư từ châu Phi Phi đến châu Âu, do vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện đáng kể.
Năm 2016, các quốc gia châu Âu đã cam kết tăng viện trợ kinh tế và phát triển cho châu Phi với hy vọng hạn chế các dòng người di cư vì mục đích kinh tế. Theo các nguồn tin ngoại giao, tại hội nghị cấp cao Mali lần này, Pháp sẽ công bố kế hoạch tăng viện trợ phát triển và cam kết cho vay cả gói đối với các quốc gia ở châu lục này, dự kiến lên tới 5,3 tỷ USD trong trong 3 năm tới./.