Pháp kêu gọi ứng phó tập thể trước các thách thức thương mại

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cảnh báo chiến tranh thương mại là cuộc chiến mà ai cũng phải chịu mất mát, từ các ngành công nghiệp, những người nông dân và đến cả khách hàng.
Pháp kêu gọi ứng phó tập thể trước các thách thức thương mại ảnh 1Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. (Nguồn: THX/TTXVN)

Chiến tranh thương mại là cuộc chiến mà ai cũng phải chịu mất mát, từ các ngành công nghiệp, những người nông dân và đến cả khách hàng.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đưa ra nhận định trên, qua đó kêu gọi các nước cần có biện pháp ứng phó mang tính tập thể trước những thách thức trong hoạt động thương mại của thế giới ngày nay.

Trong bài phát biểu tại phiên họp của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) diễn ra tại Paris ngày 30/5, Tổng thống Pháp khẳng định các biện pháp đáp trả đơn phương và những mối đe dọa về chiến tranh thương mại "sẽ không giải quyết được tất cả" sự bất cân bằng nghiêm trọng trong hoạt động thương mại thế giới ngày nay.

Theo ông, những biện pháp đơn phương có thể chỉ có hiệu quả trong ngắn hạn. Ông nhấn mạnh nhiệm vụ của OECD là "tìm ra biện pháp ứng phó mang tính tập thể" và để làm được điều đó, ông Macron cho rằng trước hết cần cải tổ bộ máy Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

[Trung Quốc cảnh báo đáp trả cứng rắn các chế tài thương mại của Mỹ]

Nhà lãnh đạo nước Pháp cho rằng Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Nhật Bản cần đi đầu trong "dự án cải tổ" này trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển và mới nổi (G20) diễn ra tại Argentina vào ngày 30/11 tới.

Cùng với nhận định trên, ông Macron còn cho rằng hoạt động thương mại quốc tế ngày nay không chỉ bó hẹp trong khuôn khổ song phương và thực tế này đã được chứng minh qua việc giá cả hàng hóa, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao do những lực lượng khởi xướng tranh chấp thương mại song phương trong thời gian gần đây.

Tuyên bố của Tổng thống Pháp được đưa ra trong bối cảnh EU đang vận động để Mỹ miễn áp thuế đối với sản phẩm nhôm và thép nhập khẩu từ EU sau khi lệnh miễn hiện hành sẽ kết thúc vào ngày 1/6. Tuy nhiên, quan chức EU không kỳ vọng nhiều vào khả năng này.

Với chủ đề "Chủ nghĩa đa phương", Hội nghị OECD với sự tham dự của đại diện Mỹ, Anh, Nhật Bản và EU đã thảo luận về nhiều chủ đề, bao gồm cách thức thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cũng tại hội nghị năm nay, OCED đã chính thức kết nạp thêm 2 thành viên là Colombia và Lítva, nâng tổng số thành viên của tổ chức này lên con số 38./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục