Ngày 17/1, cảnh sát Pháp đã tiến hành khám xét các văn phòng của hãng sản xuất sữa Lactalis trong bối cảnh lo ngại gia tăng về sữa nhiễm khuẩn salmonella của hãng khiến hàng chục trẻ nhỏ mắc bệnh và khiến hãng phải thu hồi hàng chục triệu sản phẩm trên toàn thế giới.
Hãng thông tấn AFP dẫn một nguồn thạo tin cho biết giới chức tư pháp và khoảng 70 cảnh sát đã tiến hành khám xét các văn phòng của Lactalis tại thị trấn miền Tây Laval và nhà máy sản xuất của hãng ở thành phố lân cận Craon, nơi được xác định là có sự tồn tại của khuẩn salmonella trong dây chuyền sản xuất hồi tháng 12/2017.
Tham gia đợt khám xét này còn có các nhà thanh tra thuộc Cơ quan y tế OCLAESP và đại diện Hiệp hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng DGCCRF.
Cho đến nay, Lactalis đã thu hồi 12 triệu hộp sữa nghi nhiễm khuẩn salmonella mang ba thương hiệu Picot, Milumel và Celia tại 83 quốc gia trên thế giới, trong bối cảnh người dân phẫn nộ trước tin hãng đã phát hiện vi khuẩn salmonella tại nhà máy Craon hồi tháng Tám và tháng 11/2017, nhưng không công bố phát hiện trên cho đến tháng 12/2017.
[Hãng Lactalis chưa minh bạch về bê bối sữa nhiễm salmonella]
Nhiễm khuẩn Salmonella sẽ gây ra các triệu chứng như tiêu chảy, co thắt dạ dày và nôn mửa.
Hiện hàng trăm gia đình trên toàn nước Pháp đã khởi kiện Lactalis trong khi hàng trăm gia đình khác cũng đang chuẩn bị các thủ tục để đưa hãng sữa này ra tòa trong những ngày tới.
Giám đốc điều hành công ty Lactalis Emmanuel Besnier cam kết sẽ bồi thường cho tất cả những gia đình bị ảnh hưởng.
Tính đến nay, ít nhất 37 trẻ nhỏ tại Pháp và một trường hợp tại Tây Ban Nha được xác nhận nhiễm khuẩn salmonella sau khi sử dụng các sản phẩm sữa công thức của Lactalis. Một trường hợp khác tại Hy Lạp nghi nhiễm khuẩn này.
Hồi tháng 12/2017, Lactalis thông báo thu hồi các sản phẩm sữa của hãng được sản xuất tại nhà máy ở Craon sau khi phát hiện sự tồn tại của khuẩn salmonella tại nơi sản xuất.
Sau đó, Lactalis đã tiến hành hai đợt thu hồi lớn với tất cả sản phẩm sản xuất tại nhà máy này được sản xuất từ ngày 15/2/2017.
Tuy nhiên, một số nhà bán lẻ gồm các chuỗi cửa hàng tiện ích, siêu thị, nhà thuốc trong tuần qua thừa nhận họ vẫn tiếp tục bán các sản phẩm trong diện ảnh hưởng thậm chí sau khi đã có lệnh thu hồi./.