Tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện hiện nay đang trở thành một trong những quan ngại của các chuyên gia trong ngành y tế.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính có hơn 1,4 triệu người trên thế giới mắc nhiễm khuẩn liên quan đến chăm sóc y tế (HAI). Đặc biệt, ở các nước phát triển có 5% đến 10% tổng số bệnh nhân mắc HAI, còn các nước đang phát triển nguy cơ này cao gấp từ 2 đến 20 lần.
Tại Việt Nam, tình trạng quá tải trầm trọng ở các bệnh viện đã tạo điều kiện cho nguy cơ nhiễm khuẩn ngày càng gia tăng.
Nhiễm khuẩn xảy ra ở hầu hết các khoa
Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê cho biết, tình trạng quá tải trầm trọng tại các bệnh viện đã diễn ra từ nhiều năm nay là nguyên nhân chính dẫn đến sai sót chuyên môn, nhiễm khuẩn bệnh viện, tai biến điều trị…
Việc quá tải bệnh viện đã ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh gây bức xúc trong nhân dân. Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhi trung ương… là những bệnh viện điển hình xảy ra tình trạng quá tải nghiêm trọng.
Theo nghiên cứu của Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Chợ Rẫy đưa ra tại Hội nghị truyền nhiễm Quốc gia vừa được tổ chức tại Hà Nội cho thấy, tình trạng nhiễm khuẩn xảy ra ở hầu hết các khoa, nhiều nhất là khoa chăm sóc đặc biệt (52%), khoa ngoại (28%), khoa nội (19%).
Nhóm nghiên cứu tại Bệnh viện Trung ương Huế đã thực hiện trên 178 bệnh nhân có nhiễm khuẩn bệnh viện do các vi khuẩn đa kháng được phân lập dương tính tại bệnh viện này từ tháng 1 đến tháng 5 năm 2011 cho thấy, trong tổng số 178 ca nhiễm vi khuẩn đa kháng, nam là 123 chiếm tỷ lệ gần 70%, cao hơn nữ.
Tình trạng nhiễm khuẩn tại khoa chăm sóc đặc biệt này chủ yếu gặp ở người bệnh thở máy chiếm 34%, mủ vết thương 34%, nhiễm khuẩn máu 11% .
Chất thải y tế “ủ” bệnh truyền nhiễm
Phó giáo sư Nguyễn Huy Nga - Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cảnh báo có gần 12% chất thải y tế nguy hại có nguy cơ lây truyền các bệnh truyền nhiễm trong các cơ sở y tế.
Các chất thải nguy hại này có thể xâm nhập qua da (qua một vết thủng, trầy xước hoặc vết cắt trên da), qua các niêm mạc (màng nhầy), qua đường hô hấp (do xông, hít phải) hoặc qua đường tiêu hóa.
Phương tiện lây truyền từ các chất thải y tế như phân, các chất nôn, các loại dịch tiết, đờm, mủ, máu, tất cả các sản phẩm của máu và dịch tiết… Các chất thải y tế này nếu như không được xử lý triệt để thì khả năng lây nhiễm của chúng cho người khác rất cao.
Từ cuối năm 2010 và đầu năm 2011 đã xuất hiện nhiều chủng vi khuẩn siêu kháng thuốc tại các quốc gia châu Âu, Mỹ gây nên tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện nghiêm trọng. Tại một nơi ở Việt Nam cũng đã xuất hiện nhiều loại vi khuẩn tương tự.
Nhiễm khuẩn bệnh viện do các vi khuẩn đa kháng sinh đang diễn biến rất phức tạp và là vấn đề nóng bỏng của toàn cầu.
Thống kê về phân lập vi khuẩn trong những năm gần đây tại Bệnh viện Chợ Rẫy cho thấy, thủ phạm gây nhiễm khuẩn bệnh viện hàng đầu là vi khuẩn E.coli (chiếm 16-18%), vi khuẩn Acinetobacter baumanii (15-16%).
Nguy hiểm hơn cả, vi khuẩn Acinetobacter baumanii phân lập được tại Bệnh viện Chợ Rẫy và một số bệnh viện khác đã kháng với tất cả các nhóm kháng sinh, chỉ còn nhạy duy nhất với Colistin. Tuy nhiên, Colistin là kháng sinh hiện không có sẵn trong bệnh viện, việc mua thuốc trên thị trường tự do thường không đảm bảo về nguồn gốc cũng như chất lượng.
Hơn nữa, vi khuẩn Acinetobacter baumanii tồn tại kéo dài tới bốn tháng trên bề mặt khô khắp môi trường bệnh viện, làm cho khả năng lan tràn nhiễm trùng bệnh viện rất lớn.
Nhiễm khuẩn bệnh viện – người bệnh lãnh đủ
Ông Trương Quý Dương, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cho hay, hiện nay do cơ sở vật chất của nhiều bệnh viện bị xuống cấp nên có nơi xảy ra tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện tới mức 30-40%.
Ông Dương đánh giá, hậu quả của tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện không ai khác chính những bệnh nhân là người phải gánh chịu đầu tiên.
Tiến sỹ Paola Montes – đại diện của WHO tại Việt Nam cho biết, nhiễm khuẩn liên quan đến chăm sóc y tế (HAI) xảy ra trên toàn thế giới và ảnh hưởng tới nhiều bệnh nhân, cán bộ y tế và khách tới bệnh viện.
Nhiều bệnh nhân bị ảnh hưởng bởi nhiễm khuẩn liên quan đến chăm sóc y tế có thể bị tử vong và gánh nặng bệnh tật và làm gia tăng chi phí chăm sóc người bệnh.
Để kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, WHO đang thực hiện việc hỗ trợ các nước thành viên thực hiện nâng cao chất lượng chăm sóc y tế đem lại an toàn cho bệnh nhân, cán bộ y tế và các đối tượng khác trong môi trường chăm sóc y tế và môi trường chung. WHO cũng tạo điều kiện cho các nước thực hiện chống nhiễm khuẩn và hỗ trợ ứng phó với cấp cứu bệnh truyền nhiễm.
Vấn đề được đặt ra hiện nay là khi các bệnh viện vẫn diễn ra tình trạng quá tải và nhiều bệnh viện tuyến huyện không nâng cấp được cơ sở vật chất thì nguy cơ nhiễm khuẩn tại các bệnh viện vẫn hiện hữu và nhiều người dân vẫn phập phồng nỗi lo lây nhiễm bệnh./.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính có hơn 1,4 triệu người trên thế giới mắc nhiễm khuẩn liên quan đến chăm sóc y tế (HAI). Đặc biệt, ở các nước phát triển có 5% đến 10% tổng số bệnh nhân mắc HAI, còn các nước đang phát triển nguy cơ này cao gấp từ 2 đến 20 lần.
Tại Việt Nam, tình trạng quá tải trầm trọng ở các bệnh viện đã tạo điều kiện cho nguy cơ nhiễm khuẩn ngày càng gia tăng.
Nhiễm khuẩn xảy ra ở hầu hết các khoa
Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê cho biết, tình trạng quá tải trầm trọng tại các bệnh viện đã diễn ra từ nhiều năm nay là nguyên nhân chính dẫn đến sai sót chuyên môn, nhiễm khuẩn bệnh viện, tai biến điều trị…
Việc quá tải bệnh viện đã ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh gây bức xúc trong nhân dân. Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhi trung ương… là những bệnh viện điển hình xảy ra tình trạng quá tải nghiêm trọng.
Theo nghiên cứu của Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Chợ Rẫy đưa ra tại Hội nghị truyền nhiễm Quốc gia vừa được tổ chức tại Hà Nội cho thấy, tình trạng nhiễm khuẩn xảy ra ở hầu hết các khoa, nhiều nhất là khoa chăm sóc đặc biệt (52%), khoa ngoại (28%), khoa nội (19%).
Nhóm nghiên cứu tại Bệnh viện Trung ương Huế đã thực hiện trên 178 bệnh nhân có nhiễm khuẩn bệnh viện do các vi khuẩn đa kháng được phân lập dương tính tại bệnh viện này từ tháng 1 đến tháng 5 năm 2011 cho thấy, trong tổng số 178 ca nhiễm vi khuẩn đa kháng, nam là 123 chiếm tỷ lệ gần 70%, cao hơn nữ.
Tình trạng nhiễm khuẩn tại khoa chăm sóc đặc biệt này chủ yếu gặp ở người bệnh thở máy chiếm 34%, mủ vết thương 34%, nhiễm khuẩn máu 11% .
Chất thải y tế “ủ” bệnh truyền nhiễm
Phó giáo sư Nguyễn Huy Nga - Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cảnh báo có gần 12% chất thải y tế nguy hại có nguy cơ lây truyền các bệnh truyền nhiễm trong các cơ sở y tế.
Các chất thải nguy hại này có thể xâm nhập qua da (qua một vết thủng, trầy xước hoặc vết cắt trên da), qua các niêm mạc (màng nhầy), qua đường hô hấp (do xông, hít phải) hoặc qua đường tiêu hóa.
Phương tiện lây truyền từ các chất thải y tế như phân, các chất nôn, các loại dịch tiết, đờm, mủ, máu, tất cả các sản phẩm của máu và dịch tiết… Các chất thải y tế này nếu như không được xử lý triệt để thì khả năng lây nhiễm của chúng cho người khác rất cao.
Từ cuối năm 2010 và đầu năm 2011 đã xuất hiện nhiều chủng vi khuẩn siêu kháng thuốc tại các quốc gia châu Âu, Mỹ gây nên tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện nghiêm trọng. Tại một nơi ở Việt Nam cũng đã xuất hiện nhiều loại vi khuẩn tương tự.
Nhiễm khuẩn bệnh viện do các vi khuẩn đa kháng sinh đang diễn biến rất phức tạp và là vấn đề nóng bỏng của toàn cầu.
Thống kê về phân lập vi khuẩn trong những năm gần đây tại Bệnh viện Chợ Rẫy cho thấy, thủ phạm gây nhiễm khuẩn bệnh viện hàng đầu là vi khuẩn E.coli (chiếm 16-18%), vi khuẩn Acinetobacter baumanii (15-16%).
Nguy hiểm hơn cả, vi khuẩn Acinetobacter baumanii phân lập được tại Bệnh viện Chợ Rẫy và một số bệnh viện khác đã kháng với tất cả các nhóm kháng sinh, chỉ còn nhạy duy nhất với Colistin. Tuy nhiên, Colistin là kháng sinh hiện không có sẵn trong bệnh viện, việc mua thuốc trên thị trường tự do thường không đảm bảo về nguồn gốc cũng như chất lượng.
Hơn nữa, vi khuẩn Acinetobacter baumanii tồn tại kéo dài tới bốn tháng trên bề mặt khô khắp môi trường bệnh viện, làm cho khả năng lan tràn nhiễm trùng bệnh viện rất lớn.
Nhiễm khuẩn bệnh viện – người bệnh lãnh đủ
Ông Trương Quý Dương, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cho hay, hiện nay do cơ sở vật chất của nhiều bệnh viện bị xuống cấp nên có nơi xảy ra tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện tới mức 30-40%.
Ông Dương đánh giá, hậu quả của tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện không ai khác chính những bệnh nhân là người phải gánh chịu đầu tiên.
Tiến sỹ Paola Montes – đại diện của WHO tại Việt Nam cho biết, nhiễm khuẩn liên quan đến chăm sóc y tế (HAI) xảy ra trên toàn thế giới và ảnh hưởng tới nhiều bệnh nhân, cán bộ y tế và khách tới bệnh viện.
Nhiều bệnh nhân bị ảnh hưởng bởi nhiễm khuẩn liên quan đến chăm sóc y tế có thể bị tử vong và gánh nặng bệnh tật và làm gia tăng chi phí chăm sóc người bệnh.
Để kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, WHO đang thực hiện việc hỗ trợ các nước thành viên thực hiện nâng cao chất lượng chăm sóc y tế đem lại an toàn cho bệnh nhân, cán bộ y tế và các đối tượng khác trong môi trường chăm sóc y tế và môi trường chung. WHO cũng tạo điều kiện cho các nước thực hiện chống nhiễm khuẩn và hỗ trợ ứng phó với cấp cứu bệnh truyền nhiễm.
Vấn đề được đặt ra hiện nay là khi các bệnh viện vẫn diễn ra tình trạng quá tải và nhiều bệnh viện tuyến huyện không nâng cấp được cơ sở vật chất thì nguy cơ nhiễm khuẩn tại các bệnh viện vẫn hiện hữu và nhiều người dân vẫn phập phồng nỗi lo lây nhiễm bệnh./.
Thùy Giang (Vietnam+)