Người Ai Cập cổ đại sử dụng nhiều kỹ thuật khá tân tiến để xây các kim tự tháp khổng lồ là thông tin không có gì lạ. Nhưng một nghiên cứu mới đây cho thấy rằng ít nhất một kim tự tháp đã được xây dựng bằng một công nghệ rất phức tạp vào thời gian đó: thang nâng thủy lực - phương tiện vẫn còn được dùng cho tới tận ngày hôm nay.
Trong bài viết được đăng trên tạp chí khoa học PLOS One, các nhà nghiên cứu nói rằng họ đã tìm thấy bằng chứng về việc các nô lệ xây dựng kim tự tháp Djoser, hay còn được gọi là kim tự tháp bậc thang, đã dùng một hệ thống các hào, đường hầm và đập để dẫn nước đến khu vực thi công. Tại đây, họ sẽ tận dụng sức nước để nâng một bè nổi có thể chở nhiều hòn đá nặng.
“Đã có nhiều giả thuyết cho rằng các kim tự tháp được xây nên chủ yếu dựa vào sức mạnh thuần túy của con người và chỉ có một sự hỗ trợ nhỏ từ việc tối ưu hóa các công cụ cơ bản như đòn bẩy hay dốc”, trưởng nhóm nghiên cứu kiêm Giám đốc điều hành của Viện nghiên cứu Paleotechnic tại Paris, ông Xavier Landreau, đã chia sẻ với trang tin tức Ars Technica.“Phân tích của chúng tôi dẫn tới kết luận rằng con người chưa chắc đã là những người trực tiếp nâng các hòn đá làm nên kim tự tháp. Chính điều đó đã khiến nhóm tôi nghi ngờ về việc liệu những kim tự tháp lớn nhất có thực sự được xây dựng bằng kỹ thuật tận dụng đòn bẩy, hay dốc không”, ông nói.
Được coi là công trình cổ nhất tại Ai Cập, kim tự tháp bậc thang được xây nên vào khoảng năm 2680 TCN, gần một thế kỷ trước khi kim tự tháp nổi tiếng Giza ra đời. Các nhà sử học tin rằng vị kiến trúc sư huyền thoại Imhotep là người đã thiết kế kim tự tháp bậc thang. Ông cũng chính là người đã được vị Pharaoh Djoser tin tưởng giao trọng trách xây dựng lăng mộ cho mình.
Sau nhiều năm trời nghiên cứu về khí hậu cổ đại và dữ liệu khảo cổ học, các nhà nghiên cứu đã phát hiện bằng chứng cho thấy có nhiều nước trong khu vực kim tự tháp hơn những gì ta từng biết. Điều này đã khiến họ phải nhìn nhận lại một số kiến trúc trong và quanh khu vực kim tự tháp, bao gồm một trục thẳng đứng ở trung tâm kim tự tháp Bậc thang, nơi các nhà nghiên cứu tin rằng đã từng có sự tồn tại của hệ thống thang nâng thủy lực.
Trục này có thể đã nhận nước từ một đường hầm dài hơn 200m nằm bên dưới kim tự tháp, nối liền với một mạng lưới các đường hầm khác. Có khả năng nước đã được dẫn đến đường hầm từ một hào lớn hiện vẫn bao quanh kim tự tháp.
Giả thuyết trên cũng có thể dùng để giải thích cho nguồn gốc của một công trình bằng đá gần đó gọi là Gisr el-Mudir (Cây cầu của thủ lĩnh), một cấu trúc mà mục đích xây dựng vẫn là một ẩn số. Các nhà nghiên cứu phỏng đoán rằng nó có thể từng hoạt động như một cái đập điều tiết, chuyên giữ nước trong mùa lũ lớn và lọc bùn đất giúp các đường hầm không bị tắc nghẽn.
Những phát hiện này đã từng gây ra nhiều tranh cãi giữa các chuyên gia trong lĩnh vực khảo cổ, với những người phản đối cho rằng không có đủ lượng mưa đều đặn để cung cấp lượng nước cần thiết lấp đầy các đường hầm. "Những cơn mưa này, dù có thể mang nước tới làm đầy các con sông khô (wadis), cũng không thể làm đầy cả một cái hào ở kim tự tháp, ngay cả ở mức rất nhỏ," Fabian Welc, Giám đốc Viện Khảo cổ học tại Đại học Cardinal Stefan Wyszynski ở Warsaw, Ba Lan, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với kênh CNN.
Zahi Hawass, cựu Bộ trưởng Bộ Cổ vật Ai Cập, cũng đã lên tiếng bác bỏ nghiên cứu mới, cho rằng nó hoàn toàn vô lý. "Tôi đã tham gia khai quật tại Gisr El-Mudir suốt 12 năm qua," Zahi nói với trang IFLScience. "Không có bất kỳ một bằng chứng nào mà tôi thấy đủ để chứng minh đó là một con đập”.
Có rất nhiều ý kiến chống lại giả thuyết mới và các tác giả của nghiên cứu cũng thừa nhận rằng họ cần thêm nhiều nghiên cứu để chứng minh. Nhưng ít nhất họ cũng xứng đáng được ghi nhận vì đã đưa ra ý tưởng khá thú vị về thang nâng thủy lực./.