Một hồ nước lớn nằm bên dưới dải băng Greenland ở Ireland có thể giúp giải đáp một trong những điều bí ẩn của thay đổi khí hậu.
Kết luận trên được các nhà khoa học Mỹ đưa ra trong báo cáo đăng tải trên tạp chí Nature Geoscience hôm 22/12.
Trong chuyến thám hiểm khám phá nhân băng ở dải băng Greenland (tiêu chuẩn để đo lượng tuyết rơi hàng năm) năm 2011, các nhà khoa học Mỹ đã bị bất ngờ khi phát hiện nước lỏng và các hạt băng nhỏ thay vì bọt biển đóng băng như dự kiến khi khoan xuống lớp tuyết bị nén (còn gọi là lớp tuyết hạt) ở độ sâu 10m.
Kết quả trên cũng không thay đổi trong lớp tuyết bị nén ở độ sâu 25m khi thực hiện khoan mũi thứ hai, cách mũi khoan thứ nhất vài km.
Để lý giải cho lượng nước lỏng bí ẩn này, các nhà khoa học đã sử dụng một máy bay được trang bị radar địa chất của NASA và một xe đi trên tuyết được trang bị radar có thể quét dưới mặt đất để khảo sát khu vực này.
Cả hai thiết bị radar này đều phản xạ rõ ràng về một hồ nước lớn bên dưới dải băng. Mở rộng khảo sát theo sườn phía đông nam của dải băng Greenland, các nhà khoa học phát hiện ra rằng hồ nước bí ẩn này nằm ở độ sâu từ 5-50m và có diện tích rộng khoảng 70.000km2.
Các nhà khoa học cho rằng hồ nước này giữ nước từ tuyết tan chảy trong mùa Hè và có cơ chế hoạt động giống như tầng ngậm nước ở dưới mặt đất, đó là một dải đá xốp chứa nước trong những khoang rỗng.
Theo giáo sư địa lý của trường đại học Utah, Rick Forster, điều đáng ngạc nhiên là nước lỏng trong các khoang rỗng trên không bao giờ bị đóng băng, ngay cả trong mùa Đông lạnh giá của Greenland.
Điều này xảy ra là do lượng lớn tuyết rơi xuống bề mặt của khu vực này trong mùa hè và nhanh chóng cách ly nước bên dưới với khu vực nhiệt độ đóng băng ở bên trên, do đó giữ cho nước bên dưới không bị đóng băng trong cả năm.
Theo ông Forster, hồ nước này có thể duy trì những dòng nước tan chảy từ băng tuyết, do vậy nó giúp làm giảm tác động của biến đổi khí hậu.
Hồ nước trên đã tồn tại một thời gian và không bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng nóng lên trên toàn cầu do con người gây ra. Điều này sẽ mang lại những hiểu biết sâu sắc hơn về tương lai của dải băng Greenland, một trong những vấn đề chính của ngành nghiên cứu về khí hậu.
Với độ dày trung bình khoảng 1.500m, dải băng Greenland đang bị tan chảy do gia tăng hiệu ứng nóng lên trên toàn cầu.
Năm 2012, khối lượng dải băng này đã bị tan chảy mất 250km3, tác nhân lớn nhất làm mực nước biển gia tăng. Nếu bị tan chảy hoàn toàn, dải băng này có thể làm cho mực nước biển trung bình tăng thêm 7m./.