Trong một phát hiện hiếm hoi, các nhà khoa học mới tìm thấy một loài linh trưởng sống trên cây trong các khu rừng ở miền Trung Myanmar.
Loài linh trưởng này có khuôn mặt giống mặt nạ với mớ lông trên đầu bù xù màu xám.
Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí Zoological Research, loài linh trưởng này là khỉ Popa - theo tên một ngọn núi lửa đã ngừng hoạt động và là nơi loài này sinh sống tập trung đông nhất (khoảng 100 cá thể).
Loài linh trưởng này đã tồn tại ít nhất một triệu năm. Trưởng nhóm nghiên cứu - chuyên gia cấp cao Frank Momberg làm việc tại Trung tâm Thực vật quốc tế (FFI) ở thành phố Yangon cho biết loài này cần được xếp vào danh sách "cực kỳ nguy cấp" do đang bị đe dọa tuyệt chủng bởi nạn săn trộm và nguy cơ mất môi trường sống. Hiện nay chỉ còn khoảng 200-250 cá thể khỉ này sống trong môi trường tự nhiên.
[Gấu trắng Bắc cực có nguy cơ tuyệt chủng do biến đổi khí hậu]
Các nhà khoa học đã tình cờ phát hiện những bằng chứng đầu tiên về loài khỉ Popa trong một gian trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London (Anh).
Các phân tích gene cho thấy những mẫu vật liên quan loài này được thu thập từ cách đây hơn một thế kỷ, khi Myanmar còn là thuộc địa của Anh. Những mẫu phân khỉ Popa mà các nhà nghiên cứu thu thập được trong rừng cho thấy sự trùng khớp với những mẫu vật từ bảo tàng.
Điều đó cho thấy, loài khỉ chưa từng được biết đến trước đây này vẫn sinh sống trong tự nhiên. Cuối cùng các nhà khoa học đã phát hiện những cá thể khỉ Popa sống ẩn dật qua một đoạn phim quay được năm 2018.
Ngwe Lwin - nhà linh trưởng học thuộc FFI cho biết: “Những cuộc khảo sát thực địa bổ sung và các biện pháp bảo vệ sẽ được FFI và các cơ quan hữu quan tiến hành để cứu loài khỉ này khỏi nguy cơ tuyệt chủng."
Hiện nay trên thế giới có hơn 20 loài linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng, trong đó nổi bật là loài khỉ xám Hanuman - được đặt theo tên vị thần khỉ trong sử thi Ramayana của đạo Hindu./.