Phát hiện về kim cương siêu cứng có nguồn gốc bên ngoài Trái Đất

Các nhà khoa học đã xác nhận về sự tồn tại của lonsdaleite trong các thiên thạch ureilite - một loại kim cương hình lục giác cứng hơn nhiều so với kim cương hình lập phương vốn phổ biến trên Trái Đất.
Phát hiện về kim cương siêu cứng có nguồn gốc bên ngoài Trái Đất ảnh 1Giáo sư Andy Tomkins (trái) và Tiến sỹ Alan Salek nghiên cứu một mẫu thiên thạch ureilite. (Nguồn: Đại học RMIT)

Các nhà khoa học Australia mới đây phát hiện ra một loại kim cương có nguồn gốc từ một hành tinh lùn trong hệ Mặt Trời có thể đóng vai trò then chốt trong việc chế tạo máy móc mạnh hơn trong tương lai.

Theo nghiên cứu công bố ngày 13/9, một nhóm các nhà khoa học đã xác nhận về sự tồn tại của lonsdaleite trong các thiên thạch ureilite từ bề mặt hành tinh lùn.

Lonsdaleite là kim cương hình lục giác cứng hơn nhiều so với kim cương hình lập phương vốn phổ biến trên Trái Đất.

Các nhà khoa học của Tổ chức Nghiên cứu khoa học và công nghiệp Australia (CSIRO), Đại học Monash, Đại học RMIT, Viện nghiên cứu Australian Synchrotron và Đại học Plymouth đã sử dụng những kỹ thuật tiên tiến để tìm kiếm bằng chứng rõ ràng về sự tồn tại của lonsdaleite trong các mẫu thiên thạch.

Nghiên cứu đã cho thấy bằng chứng rõ ràng về sự hình thành của lonsdaleite trong tự nhiên, yếu tố mà nhà khoa học Colin MacRae của CSIRO khẳng định có ảnh hưởng quan trọng đến lĩnh vực công nghiệp nặng.

[Nghiên cứu: Sự sống trên Trái Đất có thể bắt nguồn từ ngoài vũ trụ]

Chuyên gia MacRae nhấn mạnh nếu có thể sản xuất dễ dàng vật liệu nào đó cứng hơn kim cương, thì đây là điều mà ngành này vô cùng quan tâm.

So với những thiên thạch khác, thiên thạch ureilite có tỷ lệ carbon cao dưới dạng than chì và kim cương nano. Đây cũng được cho là những mẫu thiên thạch duy nhất có nguồn gốc từ lớp phủ của một hành tinh lùn.

Thông qua việc sử dụng Thiết bị vi phân tích đầu dò điện tử (EPMA), nhóm nghiên cứu có thể nhanh chóng lập bản đồ phân bố của than chì, kim cương và lonsdaleite trong các mẫu.

Kết hợp với kính hiển vi điện tử truyền qua có độ phân giải cao của RMIT, EPMA giúp xác định các tinh thể lonsdaleite có kích cỡ lên tới 1 micromet, cũng là mẫu có kích cỡ lớn nhất được phát hiện tới thời điểm này.

Chuyên gia Nick Wilson của CSIRO khẳng định các kỹ thuật này giúp các nhà khoa học nắm được bản chất của lonsdaleite, đồng thời cũng chỉ ra "tiêu chuẩn vàng" của loại vật liệu này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục