Phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trên vùng đất Chín Rồng

Bảo tồn hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số gắn với lan tỏa giá trị, phát triển thành sản phẩm du lịch là một trong các giải pháp được các địa phương thực hiện.

Đua ghe ngo trên sông Maspero, thành phố Sóc Trăng. (Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN)
Đua ghe ngo trên sông Maspero, thành phố Sóc Trăng. (Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN)

Đồng bằng sông Cửu Long có trên 40 dân tộc cùng sinh sống. Các địa phương trong vùng luôn quan tâm, gắn kết phát triển kinh tế-xã hội với bảo tồn bản sắc văn hóa cộng đồng các dân tộc, trong đó có các dân tộc thiểu số, góp phần tạo sự phát triển toàn diện, bền vững.

Đa dạng và thống nhất

Theo Vụ Công tác dân tộc địa phương (Ủy ban Dân tộc), tại Đồng bằng sông Cửu Long, đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống thành cộng đồng, đan xen với dân tộc Kinh. Các dân tộc có bản sắc văn hóa và tôn giáo truyền thống như: dân tộc Khmer với Phật giáo Nam tông, dân tộc Chăm với Hồi giáo Islam... Bên cạnh đó, tiếng nói, chữ viết và đặc trưng văn hóa của từng dân tộc tạo nên sự đa dạng, phong phú, đặc sắc, thống nhất trong nền văn hóa Việt Nam.

Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ở nước ta nói chung, vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể triển khai đồng bộ, bài bản.

Hiện nay, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025 đang được triển khai, trong đó có dự án thành phần là Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.

An Giang là tỉnh giàu bản sắc văn hóa, đa dân tộc, đa tôn giáo. Các dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Khmer cùng chung sống hòa thuận lâu đời, trải qua tiến trình lịch sử đã hình thành nhiều giá trị văn hóa, thể hiện sinh động qua hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể (nghệ thuật ẩm thực, trang phục, nghề thủ công truyền thống, nghi lễ, lễ hội, diễn xướng dân gian, các loại hình nghệ thuật, ngôn ngữ...).

Đến nay, An Giang có gần 90 di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng, trong đó có 30 di tích quốc gia đặc biệt và di tích quốc gia. Tỉnh có trên 100 lễ hội truyền thống, nhiều nghề thủ công, nghệ thuật trình diễn, ẩm thực, trang phục, tri thức dân gian, tôn giáo, tín ngưỡng, tập quán cộng đồng các dân tộc Kinh, Khmer, Chăm, Hoa và một số dân tộc thiểu số khác.

Ban Dân tộc tỉnh An Giang thông tin, quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số, tỉnh luôn tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc tổ chức các ngày lễ, Tết theo phong tục cổ truyền, tổ chức biểu diễn, giới thiệu các hoạt động văn hóa, thể thao đặc sắc.

An Giang đã lập kế hoạch trùng tu di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh trong các giai đoạn 2016-2020 và 2021-2025; đề xuất Trung ương hỗ trợ trùng tu nhiều di tích cấp quốc gia. Đặc biệt, người dân đóng góp kinh phí cùng Nhà nước trùng tu 69 đình làng, góp phần bảo tồn, gìn giữ các thiết chế văn hóa truyền thống làng, xã.

ttxvn_dua_bo_bay_nui_an_giang_0101.jpg
Đua bò Bảy Núi An Giang 2023. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Cùng với đó, nhiều di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia như: Lễ hội đua bò Bảy Núi, kỹ thuật khắc chữ trên lá Buông, nghệ thuật sân khấu Dù Kê của người Khmer; di sản nghề dệt thổ cẩm, nghi lễ vòng đời của người Chăm.

Các di sản đã trở thành niềm tự hào chung của đồng bào các dân tộc, góp phần khẳng định sự phát triển vừa đa dạng, vừa thống nhất của nền văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Cùng ở Đồng bằng sông Cửu Long, Sóc Trăng có số dân khoảng 1,2 triệu người, chủ yếu là người Kinh, Khmer, Hoa. Các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị luôn quan tâm công tác bảo tồn, khôi phục và phát huy những giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số.

Đại diện Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng cho biết, triển khai Dự án Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025, tỉnh tổ chức khảo sát, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa nhiều di sản văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, bảo tồn lễ hội tại các địa phương, từ đó khai thác, xây dựng sản phẩm phát triển du lịch.

Tỉnh cũng tổ chức lớp tập huấn, truyền dạy thực hành một số di sản văn hóa phi vật thể; xây dựng câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian tại các ấp vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng di dân tái định cư.

Xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa

Bảo tồn hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số gắn với lan tỏa giá trị, phát triển thành sản phẩm du lịch là một trong các giải pháp đang được các địa phương thực hiện.

Bà Trần Thị Hoa Ry, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội khẳng định, gắn bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số với phát triển du lịch là chủ trương, chính sách đúng đắn và phù hợp.

Để phát triển du lịch thì giá trị văn hóa truyền thống là một nguồn tài nguyên du lịch văn hóa quan trọng, là nguyên liệu quý để tạo ra các sản phẩm du lịch đặc sắc, làm cho các sản phẩm du lịch trở nên hấp dẫn, có giá trị kinh tế-văn hóa cao hơn. Mặt khác, thông qua phát triển du lịch, các địa phương sẽ có nguồn lực để phục dựng, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt hơn.

Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy cho rằng, tại Đồng bằng sông Cửu Long, tài nguyên du lịch văn hóa gắn với đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân miền sông nước, nét văn hóa tâm linh, nghệ thuật truyền thống, đặc sản ẩm thực của đồng bào các dân tộc như Kinh, Khmer, Hoa, Chăm... tạo nên nhiều sản phẩm du lịch đặc thù của vùng cần được phát huy.

Tại Sóc Trăng, ngành chức năng cùng các địa phương của tỉnh tổ chức sưu tầm, hỗ trợ kinh phí để đồng bào Khmer đóng mới ghe Ngo, ghe Cà Hâu, truyền dạy biểu diễn nhạc Ngũ âm, nghệ thuật sân khấu Rô Băm, múa Rom Vong hoặc bảo tồn lễ Cúng phước biển, lễ hội Thác Côn gắn với phát triển du lịch.

Bên cạnh đó tỉnh cũng triển khai chương trình nghiên cứu, khôi phục, bảo tồn Dàn nhạc Tùa Lầu Cấu của người Hoa ở thị xã Vĩnh Châu, từng bước đưa vào xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch.

ttxvn_le_cung_trang_0110.jpg
Nghi lễ cúng Trăng. (Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN)

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng Trần Minh Lý cho biết, các hoạt động văn hóa, thể thao gắn du lịch tạo điểm nhấn vừa góp phần lan tỏa giá trị văn hóa, vừa quảng bá du lịch Sóc Trăng tiếp tục được tổ chức quy mô, nâng tầm sự kiện. Sắp tới, từ ngày 9-15/11, sẽ diễn ra Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VI và Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng lần thứ I, với chủ đề: “Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, hội nhập và phát triển.”

Trong khuôn khổ lễ hội và tuần văn hóa, thể thao và du lịch là chuỗi hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa như: đua ghe Ngo, lễ cúng trăng, thi thả đèn trời, trình diễn ghe Cà Hâu, trình diễn trang phục các dân tộc, giới thiệu sản phẩm OCOP Sóc Trăng và các tỉnh, thành phố thuộc Đồng bằng sông Cửu Long.

Với tỉnh An Giang, ông Lê Trung Hiếu, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh cho biết, năm 2024, du lịch An Giang đặt mục tiêu thu hút khoảng 9 triệu lượt du khách.

Cùng với các điểm đến danh lam, thắng cảnh của vùng đất vừa có đồng bằng vừa có rừng, núi, các di tích kiến trúc, di tích văn hóa lịch sử, các di sản văn hóa phi vật thể gắn với đời sống văn hóa của cộng đồng dân tộc Kinh, Khmer, Chăm, Hoa... đang được tỉnh tăng cường quảng bá, giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước. Trong đó có các di tích và di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu như Di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo-Ba Thê, miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, chùa XvayTon, thánh đường Hồi giáo Mubarak, làng Chăm Châu Phong, chùa Ông Bắc, lễ hội đua bò Bảy Núi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục