Phát huy giá trị của đất đai phục vụ cho phát triển đất nước

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai là sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng đối với Quốc hội, Chính phủ, đối với cả nước.
Phát huy giá trị của đất đai phục vụ cho phát triển đất nước ảnh 1Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Chiều 21/2, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội nghị lấy ý kiến các tổ chức, nhà khoa học về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Tham dự Hội nghị có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng, cùng nhiều chuyên gia, nhà khoa học.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà gửi lời cảm ơn các cơ quan, đơn vị đã có sáng kiến phối hợp tổ chức việc lấy ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý để làm cơ sở cho việc hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), với nhiều chủ đề đã được đặt ra và gửi đến các nhà khoa học, nhà quản lý để nghiên cứu.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai là sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng đối với Quốc hội, Chính phủ, đối với cả nước. Vấn đề quản lý đất đai là hết sức rộng lớn, quan trọng, bao quát trên tất cả các lĩnh vực về kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, ngoại giao... Đất đai vừa là môi trường, vừa là tư liệu sản xuất rất quan trọng để có thể sử dụng cho cả thế hệ hôm nay và mai sau, tạo nền tảng cho sự phát triển.

[Tăng cường vai trò giám sát của nhân dân trong quản lý đất đai] 

“Luật Đất đai liên quan đến mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội, mọi người dân và có thể coi như một đạo luật gốc trong vấn đề quản lý Nhà nước về đất đai. Giải quyết đúng chính sách pháp luật đất đai không chỉ tạo môi trường ổn định, minh bạch, giải phóng được tiềm lực đất đai, mà còn góp phần bảo đảm an ninh-quốc phòng, ổn định chính trị-xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững các quyền lợi chính đáng của người dân, đó chính là tiền đề để chúng ta có thể phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện các mục tiêu của Đại hội XIII,” Phó Thủ tướng khẳng định.

Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, đây cũng là cơ hội để đánh giá năng lực của cơ quan hành pháp, lập pháp, năng lực của hệ thống chính trị thông qua việc thể chế hóa một chủ trương lớn của Đảng; làm tốt vấn đề này sẽ đánh giá được mức độ năng lực từ việc đề ra chủ trương chính sách cho đến thực thi.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng cho rằng việc lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của các tầng lớp nhân dân, các chuyên gia, nhà khoa học; đồng thời thể hiện ý chí, nguyện vọng và tạo sự đồng thuận trong nhân dân về việc hoàn thiện dự thảo Luật; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và toàn dân đối với việc sửa đổi Luật Đất đai.

Theo Giáo sư-Tiến sỹ Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Luật Đất đai (sửa đổi) là dự thảo luật đặc biệt quan trọng; việc sửa đổi, điều chỉnh có các quan hệ trực tiếp liên quan đến đời sống người dân. Do đó, cần rà soát kỹ hơn để các quy định của dự thảo Luật lần này thực sự phù hợp với quy định của Hiến pháp, với các điều luật được cụ thể hóa, nhằm thực hiện hiệu quả hơn nữa quy định tại Điều 54 Hiến pháp năm 2013: “Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước.”

Phát huy giá trị của đất đai phục vụ cho phát triển đất nước ảnh 2Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Giáo sư-Tiến sỹ Phan Trung Lý cho rằng đây là yêu cầu trước hết và quan trọng nhất để bảo đảm phát huy giá trị của đất đai, nguồn tài nguyên quý giá phục vụ cho lợi ích quốc gia, phục vụ cho phát triển đất nước. Bởi vậy, phải có các quy định chặt chẽ nhằm bịt các lỗ hổng pháp luật, khắc phục tình trạng khai thác giá trị đất đai phục vụ cho lợi ích riêng, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm; đặc biệt ngăn chặn hiện tượng tham nhũng chính sách, lợi dụng chính sách đất đai để làm giàu cho cá nhân.

Góp ý về việc sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư thông qua việc thỏa thuận quyền sử dụng đất, ông Ngô Sách Thực, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng cần làm rõ nhà đầu tư được thỏa thuận với người có quyền sử dụng đất trong việc bồi thường, chuyển mục đích sử dụng đất trong dự án đô thị, nhà ở thương mại hay không?

Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao đã nêu rõ: "thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất," qua đó góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập lớn hiện hành. Do đó, ông Ngô Sách Thực nhấn mạnh phải kiên trì thực hiện nguyên tắc xuyên suốt này.

Tại Hội nghị, đại biểu tham dự đã tập trung thảo luận vào một số nội dung khác như quyền và trách nhiệm của Nhà nước, công dân đối với đất đai; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; các quy định về thu hồi, trưng dụng đất để đảm bảo công khai, minh bạch, giảm khiếu nại.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục