Phát huy hiệu quả cảng cá, khu neo đậu trú bão

Theo Quyết định của Thủ tướng, đến năm 2020 cả nước sẽ có 13 dự án cấp vùng và 85 dự án cấp tỉnh đầu tư khu neo đậu tránh trú bão.
Ngày 12/8, tại thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, Tổng Cục Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổng kết chương trình đầu tư khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, cảng cá, bến cá sử dụng vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2005-2010 và tình hình quản lý các cảng cá trên cả nước.

Theo Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2020 cả nước sẽ có 13 dự án cấp vùng và 85 dự án cấp tỉnh đầu tư khu neo đậu tránh trú bão.

Từ năm 2005 đến nay đã có 75 khu neo đậu, trong có có 13 khu cấp vùng. Tổng nguồn vốn xây dựng khu neo đậu tránh trú bão đã cấp từ năm 2005 đến nay lên hơn 1.330 tỷ đồng. Trong số 13 khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng, tỉnh Kiên Giang được đầu tư 1 khu tại xã Hòn Tre ở huyện đảo Kiên Hải, với tổng vốn trên 95 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2010, dự án này đã được cấp 28,7 tỷ đồng.

Về xây dựng cảng cá, bến cá, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy hoạch đến năm 2020 cả nước sẽ có 211 cảng cá và bến cá. Trong đó tuyến bờ có 178 cảng cá và bến cá, tuyến đảo có 33 cảng cá và bến cá. Giai đoạn từ 2006-2009 đã đầu tư được 2 cảng cá Cà Ná ở tỉnh Ninh Thuận và cảng cá Qui Nhơn ở tỉnh Bình Định với tổng số vốn 66,94 tỷ đồng. Từ năm 2009-2010 tiếp tục đầu tư thêm 6 cảng cá tại các tỉnh Bình Thuận, Thừa Thiên-Huế, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Phú Yên và Tiền Giang, với tổng số vốn 58,62 tỷ đồng.

Như vậy, tính đến nay, cả nước đã hình thành hệ thống bao gồm 67 cảng cá, 137 bến cá và 123 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá các loại tại các tỉnh ven biển trong toàn quốc, với tổng diện tích đất của các cảng cá này là 174ha, bình quân 4,5 ha/cảng cá. Tổng diện tích vùng nước của các cảng cá hơn 322,900ha.

Sau thời gian được đầu tư và đi vào hoạt động, các khu neo đậu và cảng cá đã đáp ứng nhu cầu tránh trú bão cho tàu đánh cá; cung cấp dịch vụ neo đậu để bốc dỡ sản phẩm thủy sản, hàng hóa… tạo việc làm và thu nhập cho người dân địa phương, đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách Nhà nước.

Một số cảng cá hoạt động ổn định, phát huy hiệu quả tích cực đến thời điểm này là Cát Bà ở thành phố Hải Phòng, Sông Gianh ở tỉnh Quảng Bình, Thuận Phước ở thành phố Đà Nẵng và Tắc Cậu ở tỉnh Kiên Giang…

Một số cảng cá hoạt động ổn định, phát huy hiệu quả tích cực đến thời điểm này là Cát Bà ở thành phố Hải Phòng, Sông Gianh ở tỉnh Quảng Bình, Thuận Phước ở thành phố Đà Nẵng và Tắc Cậu ở tỉnh Kiên Giang…

Tuy nhiên, nhiều khu neo đậu bị bồi lắng gây cạn luồng ra vào của tàu cá. Tình trạng thiếu hoàn chỉnh hạ tầng khá phổ biến như thiếu phao, trụ neo; thiếu thiết bị dẫn đường, thiếu tiêu chuẩn thiết kế chuẩn về khu neo đậu tránh trú bão. Đến nay, vẫn còn một số dự án khu neo đậu chưa được cấp vốn từ năm 2006 và 2007 như Sông Dinh, Hòn Tre, Côn Đảo…

Tại các cảng cá, tình trạng ô nhiễm môi trường đã trở thành vấn nạn; chất thải lỏng, rắn đều xả trực tiếp xuống môi trường nước khu vực cảng cá gây ô nhiễm nặng; hoạt động giám sát khai thác thủy sản rất hạn chế do lực lượng kiểm ngư mỏng, thiếu tàu thuyền, kinh phí…

Tiếp tục phát huy kết quả đạt được, đồng thời khắc phục những hạn chế, thiếu sót vừa nêu trên, Tổng cục Thủy sản kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định về quản lý cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão để làm cơ sở hành lang pháp lý cho việc tổ chức hoạt động của cảng cá và khu neo đậu được thống nhất và hiệu quả; xây dựng hệ thống thông tin liên lạc của cảng cá; xây dựng biểu phí thống nhất trong việc hàng hóa thông qua cảng; xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, qui chuẩn cho cảng cá bao gồm luồng tàu, nhà phân loại, mái che cầu cảng, hệ thống xử lý nước thải, chất thải…/.

Hoàng Vân (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục