Phát huy thế mạnh của Hải Phòng trong vùng đồng bằng sông Hồng

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng, thành phố cần có những cơ chế, chính sách nhằm khai thác và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý để phát triển cảng biển, logistics.
Phát huy thế mạnh của Hải Phòng trong vùng đồng bằng sông Hồng ảnh 1Một góc thành phố Hải Phòng. (Nguồn: TTXVN)

Với lợi thế là thành phố ven biển, hội tụ đủ 5 loại hình giao thông (đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa và đường hàng không), Hải Phòng không chỉ đóng vai trò trung tâm kinh tế khu vực đồng bằng sông Hồng, vùng Duyên hải Bắc Bộ mà còn thông thương với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Tầm ảnh hưởng vùng

Để phát huy có hiệu quả vị trí địa lý thuận lợi (gần thủ đô Hà Nội, cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc) và góp phần tạo sự phát triển ổn định chung cho toàn vùng đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, thành phố Hải Phòng chủ động xây dựng kế hoạch phối, kết hợp với Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước (trước hết là các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ) trong phát triển các ngành quan trọng ở các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ.

Hải Phòng chủ động phối hợp với các địa phương trong phạm vi "Hai hành lang, một vành đai kinh tế," xây dựng chương trình hợp tác cụ thể nhằm triển khai có hiệu quả chương trình hợp tác giữa hai nước Việt Nam-Trung Quốc.

Hải Phòng xác định mục tiêu xây dựng thành phố thành trung tâm kinh tế mạnh của vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ; tăng cường hợp tác liên tỉnh, phối hợp giữa Hải Phòng với các tỉnh, thành phố khác trong vùng từ khâu nghiên cứu, hình thành dự án, phù hợp với quy hoạch phát triển ngành và lãnh thổ.

Mới đây, tại Hội nghị "Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 14/9/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; Kết luận số 13-KL/TW ngày 28/10/2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW," ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã khẳng định vùng đồng bằng sông Hồng là một trong 6 vùng kinh tế-xã hội của cả nước, gồm 11 tỉnh, thành phố, trong đó có 2 thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Nội, Hải Phòng).

Phát huy thế mạnh của Hải Phòng trong vùng đồng bằng sông Hồng ảnh 2Một góc thành phố Hải Phòng. (Ảnh: Minh Thu/TTXVN)

Vùng đồng bằng sông Hồng là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của cả nước; là trung tâm về khoa học-công nghệ với đội ngũ trí thức trình độ cao; là trung tâm đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực cho cả nước với nhiều trường đại học, viện nghiên cứu lớn; có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, nhiều cảnh quan, di tích nổi tiếng gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Sự phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng thời gian qua rất ấn tượng với sự phát triển nhanh chóng của công nghiệp, dịch vụ, đô thị, các hành lang, vành đai kinh tế; sự đi đầu trong ứng dụng khoa học, công nghệ, giáo dục đào tạo. Đây là thế mạnh của vùng trong phát triển kinh tế-xã hội thời gian tới...

[HĐND thành phố Hải Phòng thông qua 7 nghị quyết quan trọng]

Tuy vậy, nhìn từ thực tế, kết quả phát triển của Hải Phòng chưa tương xứng với vị trí, tiềm năng, lợi thế, quy mô, sức cạnh tranh chưa cao. So với hai địa phương dẫn đầu là Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, Hải Phòng còn kém rất nhiều, quy mô GRDP (giá hiện hành) năm 2021 của Hải Phòng chỉ bằng 29,6% Hà Nội, trong khi chỉ cao hơn 30% tỉnh Quảng Ninh và khoảng cách này đang dần bị thu hẹp (năm 2005 quy mô GRDP Hải Phòng cao hơn 69% tỉnh Quảng Ninh).

Trong 6 tháng đầu năm 2022, một số chỉ số về phát triển công nghiệp IIP, lượng hàng qua cảng và đặc biệt là GRDP đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại.

Điều này đặt ra vấn đề cấp bách cho Hải Phòng trong chiến lược phát triển, đó là đẩy mạnh khai thác ưu thế của vị trí địa lý độc đáo - sở hữu cảng biển lớn nhất miền Bắc - cửa ngõ giao thương xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ kết nối với thị trường trong và ngoài nước, đây là lợi thế so sánh vượt trội của Hải Phòng so với các địa phương trong khu vực.

Hải Phòng nằm trên vành đai hợp tác Việt Nam-Trung Quốc (Hai hành lang-Một vành đai), kết nối tới hai trung tâm phát hàng lớn của khu vực là Nam Ninh (Quảng Tây) và Côn Minh (Vân Nam).

Đường bờ biển dài, cảng biển nước sâu có khả năng đón tàu trọng tải 12.000 TEU (132.000 tấn) giúp Hải Phòng trở thành điểm tiếp nối tới các tuyến vận tải quốc tế lớn qua các cảng như Singapore, Hong Kong (Trung Quốc), Thượng Hải và đặc biệt là đang hình thành tuyến vận tải đi thẳng tới thị trường châu Âu và Mỹ.

Lợi thế về vị trí của Hải Phòng đã được hiện thực hóa nhiều hơn trong những năm gần đây nhờ một số hạ tầng trọng yếu trong vùng được đầu tư, đặc biệt là đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng cùng với chiến lược Trung Quốc +1 hay dịch chuyển khỏi Trung Quốc của các nhà đầu tư quốc tế.

Cần có những cơ chế, chính sách riêng

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hải Phòng Nguyễn Hoàng Long cho rằng để tiếp tục phát huy lợi thế này, Hải Phòng cần có những cơ chế, chính sách riêng để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đồng thời chủ động, tích cực phối hợp với các địa phương trong vùng đồng bằng sông Hồng thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Một là cần thiết có những cơ chế, chính sách nhằm khai thác và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế vượt trội về vị trí địa lý để phát triển cảng biển, logistics.

Ông Nguyễn Hoàng Long nêu một ví dụ: tốc độ sa bồi quá nhanh tại khu vực cảng nước sâu Lạch Huyện trong thời gian qua đã làm ảnh hưởng rất lớn đến việc kinh doanh của các hãng tàu, khiến cảng không đáp ứng được nhu cầu thực tế cũng như không đáp ứng được kỳ vọng ban đầu khi xây dựng cảng (độ sâu -14,5m). Nhiều tàu cỡ lớn phải giảm tải hoặc trung chuyển từ các cảng trước khi đến cảng Hải Phòng, giảm tính cạnh tranh, tăng chi phí vận chuyển.

Phát huy thế mạnh của Hải Phòng trong vùng đồng bằng sông Hồng ảnh 3Hàng hóa xuất, nhập khẩu qua cảng Hải Phòng luôn sôi động. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Do đó, cần xây dựng cơ chế để duy trì độ sâu hạ tầng kết nối, vùng nước phục vụ khai thác tại cảng Lạch Huyện. Trung ương có thể xem xét giao cho thành phố Hải Phòng chủ động thực hiện nhiệm vụ này bằng việc để lại một số khoản thu trong thuế xuất, nhập khẩu.

Cùng với đó, Trung ương có cơ chế, chính sách đặc thù xây dựng, phát triển Hải Phòng-Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển, là cửa ngõ của vùng trọng điểm Bắc bộ gắn với cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện theo Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 đã được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra.

Hai là Hải Phòng đang đứng trước nguy cơ hiện hữu trở thành nơi đơn thuần thực hiện các hoạt động vật lý về xuất nhập khẩu như vận tải và bốc dỡ hàng hóa (các cảng cạn ICD và trung tâm logistics đang được phát triển ở các các địa phương trong vùng, xa cảng biển). Vì vậy, cần có giải pháp đồng bộ để xây dựng Hải Phòng là trung tâm kết nối với thị trường trong và ngoài nước, nơi tạo ra các giá trị gia tăng chứ không đơn thuần là trung tâm trung chuyển hàng hóa như cách thức hay cách nhìn truyền thống từ trước đến nay.

Trong Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu: tập trung nghiên cứu, đánh giá, phân tích các cơ chế, chính sách, kinh nghiệm, cách làm hay ở trong nước và quốc tế, đặc biệt là các cơ chế, chính sách đang được áp dụng tại các khu thương mại tự do thành công trên thế giới, để có thể vận dụng phù hợp với điều kiện của thành phố Hải Phòng.

Do vậy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hải Phòng đề nghị Ban Kinh tế Trung ương ủng hộ Hải Phòng xây dựng cơ chế, chính sách theo hướng áp dụng theo loại hình và đối tượng thay vì thí điểm theo khu vực địa lý nhằm thu hút các tập đoàn trên thế giới đặt trụ sở hay văn phòng cấp vùng của các công ty vận tải, hãng tàu, logistics và là căn cứ sản xuất của các tập đoàn công nghiệp lớn trên thế giới; phát triển thí điểm mô hình Trung tâm logistics phân phối để xuất khẩu hàng hóa xuất khẩu trong khu vực vào các thị trường tiêu thụ (Regional Distribution Center - RDC).

Ba là các địa phương trong vùng cần đẩy mạnh hợp tác thu hút đầu tư giữa các khu kinh tế, khu công nghiệp trong vùng đặc biệt là Khu kinh tế Đình Vũ-Cát Hải, thành phố Hải Phòng và Khu kinh tế ven biển Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, Khu kinh tế Thái Bình để cùng liên kết, mở rộng không gian phát triển. Tránh việc cạnh tranh không lành mạnh về giá thuê đất, thuê cơ sở hạ tầng.

Hải Phòng cũng ưu tiên thu hút phát triển năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới. Với lợi thế của mình, Hải Phòng rất giàu tiềm năng để sản xuất năng lượng sạch, thân thiện với môi trường.

Trong 2 năm trở lại đây, nhiều nhà đầu tư đã tới Hải Phòng tìm hiểu và đặt vấn đề tìm hiểu, nghiên cứu, đầu tư sản xuất năng lượng, như: Tập đoàn Orsted (Đan Mạch), đại diện Corio Generation thuộc Tập đoàn Macquarie (Australia), Tập đoàn Bitexco… đã đề xuất nghiên cứu thực hiện dự án nhà máy điện gió ngoài khơi Bạch Long Vĩ… Đây chính là cơ hội để Hải Phòng tiếp tục khai thác được lợi thế trong phát triển kinh tế cũng như bảo vệ chủ quyền biển đảo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục