Xác định vị thế Hải Phòng trong sự phát triển chung của đất nước

Hai khâu đột phá mà Hải Phòng nên tập trung trong thời gian tới là xây dựng Khu thương mại tự do tại Hải Phòng và xây dựng quần thể du lịch biển Hải Phòng liên kết với các tỉnh vùng Duyên hải Bắc Bộ.
Xác định vị thế Hải Phòng trong sự phát triển chung của đất nước ảnh 1Toàn cảnh Hội thảo. (Ảnh: TTXVN)

Chiều 18/8, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng tổ chức Hội thảo Tham vấn ý kiến về quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đây là hội thảo quan trọng nhằm giúp Hải Phòng tiếp nhận thêm nhiều ý kiến từ các chuyên gia đóng góp nhằm xây dựng hoàn thiện hơn quy hoạch của thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tại Hội thảo, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Bùi Tất Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Chủ nhiệm Dự án lập Quy hoạch thành phố trình bày báo cáo tóm tắt Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu Quy hoạch phát triển thành phố đến năm 2050 bám sát mục tiêu tổng quát của Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với 8 điểm nhấn đáng chú ý.

Đó là, xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước; có công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững;

Kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối thuận lợi với trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không; trọng điểm dịch vụ logistics; trung tâm quốc tế về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học-công nghệ, kinh tế biển.

Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao ngang tầm với các thành phố tiêu biểu ở châu Á; trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, quốc phòng, an ninh được giữ vững.

Đến năm 2045, Hải Phòng trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới.

Cùng với các mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, báo cáo cũng đưa ra hai khâu đột phá mà Hải Phòng nên tập trung trong thời gian tới là xây dựng Khu thương mại tự do tại Hải Phòng và xây dựng quần thể du lịch biển Hải Phòng liên kết với các tỉnh vùng Duyên hải Đông Bắc.

Thảo luận tại Hội thảo, ông Đan Đức Hiệp, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đánh giá việc xây dựng quy hoạch sẽ gặp nhiều khó khăn do hiện chưa có quy hoạch quốc gia cũng như quy hoạch vùng.

Việc Hải Phòng xây dựng quy hoạch căn bản sẽ vẫn dựa vào các thế mạnh và định hướng của địa phương. Do đó, sẽ có những hạn chế nhất định trong phát triển dài hạn do sẽ phải sửa đổi, điều chỉnh cho phù hợp với các quy hoạch khác.

Xác định vị thế Hải Phòng trong sự phát triển chung của đất nước ảnh 2Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng phát biểu. (Ảnh: TTXVN)

Bên cạnh đó, ông Đan Đức Hiệp cho rằng, đề xuất xây dựng khu thương mại tự do cần xem xét kỹ, bởi hiện với các hiệp định tự do thương mại đã giúp nền kinh tế cũng như các chính sách hết sức cởi mở, việc xây dựng khu thương mại tự do liệu có cần thiết nữa hay không.

[Xây dựng thành phố Hải Phòng, tạo động lực phát triển Vùng Bắc Bộ]

Một số ý kiến cũng đóng góp thêm vào các chỉ tiêu được đề xuất trong dự thảo quy hoạch như quy mô dân số thành phố Hải Phòng trong dự thảo đang được xác định thấp.

Cần xác định mức độ quy mô dân số cao hơn đến năm 2030 và 2050, có các biện pháp thu hút dân số cơ học để tạo động lực xây dựng thành phố. Về cơ cấu trong nền kinh tế của mảng dịch vụ-công nghiệp cần điều chỉnh cao hơn so với đề xuất là hơn 30% như dự thảo.

Hải Phòng vẫn sẽ tập trung mạnh mẽ vào các thế mạnh của mình như một khu vực đầu mối kết nối vùng.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương và Phó Giáo sư-Tiến sỹ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Kinh tế Việt Nam, Hải Phòng cần xác định được vị thế quan trọng của mình trong sự phát triển chung của khu vực cũng như của cả nước.

Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị đặt ra những nhiệm vụ, chỉ tiêu hết sức khó khăn cho Hải Phòng, song đây cũng là cơ hội chưa từng có của thành phố.

Mô hình đặc khu kinh tế là mô hình ưu việt nhất hiện nay trên thế giới, trong khi đó, trong Nghị quyết đều có các cơ chế khuyến khích Hải Phòng đề xuất các mô hình phát triển đột phá để có thể đạt được các tiêu chí mà Nghị quyết đưa ra, trong đó không loại trừ việc xây dựng đặc khu kinh tế.

Tuy nhiên, Hải Phòng cần thể hiện được quyết tâm hơn nữa để thực hiện những bước đột phá cho thành phố. Tránh tâm thế là người "đi xin," mà phải xác định là đang thay mặt Trung ương, thực hiện các nhiệm vụ Trung ương giao để xây dựng thành phố xứng tầm một đô thị tiêu biểu trong khu vực cũng như trong châu lục mà Nghị quyết đã xác định.

Hải Phòng cần chủ động hơn để đề xuất với Trung ương những bước đi có tính đột phá này.

Thay mặt Ủy ban nhân dân thành phố, ông Lê Anh Quân, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng ghi nhận các đóng góp ý kiến của các đồng chí nguyên lãnh đạo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố cùng các chuyên gia.

Theo dự kiến, đến cuối năm nay Hải Phòng phải hoàn thành quy hoạch để trình Chính phủ. Thời gian không còn dài, nên Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng sẽ gấp rút xây dựng tốt nhất quy hoạch có thể. Tuy nhiên, có những phần việc đòi hỏi phải nghiên cứu công phu hơn sẽ được sắp xếp, mở cho các giai đoạn sau./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục