Phát huy tính dân chủ trong trong công tác lập pháp, giám sát

Trao đổi bên lề kỳ họp, các đại biểu nhận định nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV có nhiều sự đổi mới và dân chủ trong công tác lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
Phát huy tính dân chủ trong trong công tác lập pháp, giám sát ảnh 1Quang cảnh phiên họp Quốc hội. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, chiều 24/3, các đại biểu Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).

Trao đổi bên lề kỳ họp, các đại biểu nhận định nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV (2016-2021) có nhiều sự đổi mới và dân chủ trong công tác lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Theo đại biểu Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị), công tác lập pháp đã được đổi mới rất nhiều khi triển khai các dự án Luật. Chính phủ là cơ quan chủ trì soạn thảo, đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu sâu, tổ chức nhiều cuộc khảo sát và hội thảo, thăm dò ý kiến nhân dân về các vấn đề quan trọng của đất nước.

Đại biểu cho rằng quá trình thảo luận, đóng góp ý kiến của các đại biểu Quốc hội diễn ra dân chủ, thậm chí có lúc tranh luận để đi đến tận cùng vấn đề. Đây là một sự đổi mới đáng ghi nhận trong thời gian qua.

Đánh giá việc thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng, đại biểu Đỗ Văn Sinh cho rằng các Bộ trưởng, trưởng ngành đã thể hiện được trách nhiệm cao đối với lĩnh vực mình phụ trách. Nhiều vấn đề dư luận quan tâm đã được các Bộ trưởng, trưởng ngành đã chỉ đạo, xử lý kịp thời.

[Infographics] Quốc hội khóa XIV đóng góp vào sự phát triển đất nước

Tuy nhiên, theo đại biểu, có những việc rất khó, cần cả hệ thống chính trị vào cuộc nên Bộ trưởng dù muốn giữ lời hứa cũng khó có thể thực hiện được.

Đại biểu dẫn chứng nhiều năm nay, người dân rất kỳ vọng vào việc nâng cao chất lượng giáo dục, nhưng để có kết quả cần cả quá trình thay đổi từ sách giáo khoa đến đội ngũ giáo viên, phương thức giảng dạy...

"Cần phải có lộ trình, thời gian chứ không thể một sớm một chiều. Tôi cho rằng Bộ trưởng Bộ Giáo dục đã cố gắng và làm hết trách nhiệm," đại biểu Đỗ Văn Sinh nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đã tạo những dấu ấn đậm nét bằng việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội đưa vào nội dung giám sát nhiều vấn đề của đời sống dân sinh, được cử tri đặc biệt quan tâm như vấn đề phòng, chống cháy nổ; bảo vệ trẻ em...

Bên cạnh đó, đại biểu nhấn mạnh một trong những điểm nổi bật là hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn giám sát trực tiếp của Quốc hội có sự thay đổi lớn. Trước đây chất vấn 3 phút, trả lời 10 phút, bây giờ là chất vấn 1 phút và trả lời 3 phút. Điều này giúp tăng tính dân chủ, nêu được nhiều hơn kiến nghị của đại biểu Quốc hội, cũng là kiến nghị của cử tri.

Theo đại biểu Trần Tất Thế (Hà Nam), nhiệm kỳ qua, các đại biểu Quốc hội đã đóng góp rất hiệu quả vào việc xây dựng các Dự thảo luật của Quốc hội. Các luật được ban hành phù hợp với đời sống nhân dân cũng như phù hợp với thông lệ quốc tế.

Từ kết quả đó, đại biểu mong rằng tại Quốc hội khóa XV tới, các đại biểu sẽ tiếp tục phát huy tinh thần xây dựng đất nước, xây dựng luật, pháp lệnh cũng như đóng góp tâm sức để xây dựng đất nước ngày càng phát triển, đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân...

Đại biểu cho rằng Quốc hội khóa XIV đã để lại những dấu ấn tốt đẹp trong lòng cử tri cả nước khi tính dân chủ được phát huy mạnh mẽ. Điều này thể hiện rõ nét trong hoạt động tiếp xúc cử tri trước và sau Kỳ họp theo từng đối tượng, đem lại hiệu quả cao khi tiếp thu kiến nghị của cử tri đối với những vấn đề quan trọng của đất nước theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt, những vấn đề bức xúc, nổi cộm nhiều năm đã được đưa ra thảo luận trong nhiệm kỳ qua, có phương hướng giải quyết triệt để, lấy được lòng tin của nhân dân cả nước.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục