Phát triển công nghiệp vùng duyên hải miền Trung

Việc hình thành hệ thống khu kinh tế, khu công nghiệp có khả năng hỗ trợ lẫn nhau sẽ tạo ra đột phá cho vùng duyên hải miền Trung.
Vùng duyên hải miền Trung gồm 9 tỉnh, thành phố trải dài từ Thừa Thiên-Huế đến Bình Thuận với tổng diện tích đất tự nhiên chiếm gần 15% diện tích cả nước và dân số chiếm 11,4% dân số cả nước.

Các tỉnh trong vùng có điều kiện tự nhiên tương đồng với đường bờ biển dài, nhiều vịnh nước sâu, cảng biển. Thêm vào đó, hệ thống giao thông đường bộ, đường hàng không ngày càng được hoàn thiện. Các đô thị lớn trong vùng đã được kết nối với hệ thống các khu kinh tế, khu công nghiệp, tạo tiền đề thuận lợi cho việc phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp, dịch vụ góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của toàn vùng.

Tuy nhiên, chính những điều kiện tương đồng về điều kiện phát triển đang đặt ra yêu cầu hình thành hệ thống các khu kinh tế, khu công nghiệp có khả năng hỗ trợ, liên kết lẫn nhau để tạo ra bước đột phá mạnh, lan tỏa rộng cho toàn vùng.

Trong những năm qua, nhất là khi có sự liên kết vùng để phát triển thì ngành công nghiệp của các tỉnh, thành phố duyên hải miền Trung đã có những bước tiến nhất định. Giá trị sản xuất công nghiệp của toàn vùng năm 2011 đạt trên 254.000 tỷ đồng, chỉ chiếm 8% so với tổng giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước. Tốc độ tăng trường giá trị sản xuất công nghiệp của toàn vùng giai đoạn 2007-2011 là 19,6%, cao hơn so với tốc độ tăng trưởng của cả nước là 12,4%.

[Để du lịch duyên hải miền Trung sớm phát huy lợi thế]


Tính đến cuối năm 2011, tổng vốn đầu tư phát triển theo giá hiện hành toàn vùng đạt hơn 95.000 tỷ đồng, chỉ chiếm 10,8% tổng vố đầu tư của cả nước. Riêng đối với ngành công nghiệp, tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện so với tổng vốn đầu tư phát triển của vùng là 24,2%, trong khi đó tỷ lệ này của cả nước là 35,6%.

Tổng số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lũy kế đến năm 2012 của vùng là 734 với tổng vốn đầu tư đăng ký là 24,9 tỷ USD, chỉ chiếm 5% về số dự án và 12% về vốn đầu tư đăng ký của cả nước.

Tính đến hết năm 2011, toàn vùng có 51 khu công nghiệp, chiếm khoảng 19% tổng số khu công nghiệp cả nước với 178 dự án đầu tư nước ngoài và 808 dự án đầu tư trong nước. Sự phát triển của các khu kinh tế, khu công nghiệp đã góp phần giải quyết việc làm cho lao động tại các địa phương. Năm 2011, tổng lực lượng lao động làm việc tại các khu công nghiệp, khu kinh tế là trên 183.000 người, trong đó lực lượng lao động trong các khu công nghiệp chiếm 75%...

Tuy có tiềm năng và thế mạnh về vị trí địa lý thuận lợi, cơ sở hạ tầng được cải thiện nhiều hơn trước, lực lượng lao động dồi dào và việc đào tạo nghề được chú trọng, môi trường đầu tư thông thoáng, cơ chế chính sách linh hoạt... nhưng đến nay các tỉnh, thành phố duyên hải miền Trung vẫn chưa phát huy và tận dụng tối đa các lợi thế để phát triển công nghiệp một cách bền vững.

Theo tiến sỹ Bùi Tất Thắng, thành viên Nhóm tư vấn phát triển vùng, cần có những những giải pháp để phát triển và liên kết phát triển ngành công nghiệp Vùng duyên hải miền Trung. Trước hết, quy hoạch phát triển ngành công nghiệp vùng, trong đó có quy hoạch phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp trong vùng cần có tầm nhìn tổng thể, gắn với chiến lược phát triển ngành công nghiệp cả nước và sự nhất quán trong điều tiết của Chính phủ.

Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp vùng cần đặt lợi ích địa phương trong lợi ích tổng thể của cả nước và của vùng; phát huy lợi thế về vị trí địa lý của vùng nhằm hình thành hệ thống các khu kinh tế, khu công nghiệp có khả năng hỗ trợ, liên kết lẫn nhau để phát huy tối đa tiềm năng, sức mạnh của các khu kinh tế, khu công nghiệp từng địa phương. Định hướng cơ cấu ngành công nghiệp cho các địa phương vùng cần tận dụng các lợi thế vốn có của từng địa phương về tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lý... để đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp của từng địa phương cũng như toàn vùng.

Về hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, theo tiến sỹ Bùi Tất Thắng, việc phát triển hệ thống các cảng biển nước sâu, các sân bay quốc tế và quốc nội trong vùng cần kết hợp với các khu kinh tế, khu công nghiệp phức hợp nhằm đẩy nhanh kết nối sự phát triển của Vùng duyên hải miền Trung với hai đầu đất nước, khu vực Tây Nguyên và các nước tiểu vùng sông Mekong.

Vùng cần từng bước hiện đại hóa hệ thống giao thông vận tải, thông tin liên lạc như cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1 và đường sắt Bắc-Nam, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tàng các cảng biển mang tính liên kết thống nhất toàn Vùng; đầu tư hệ thống hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là hệ thống đường liên Vùng, liên tỉnh, tuyến Hành lang kinh tế Đông-Tây.

Cùng với đó, vùng cần xây dựng các khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thu hút, phát triển mạnh các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, mang lại giá trị gia tăng lớn như điện, điện tử, điện lạnh, có khí chế tạo, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ thông tin, viễn thông, ngành công nghiệp năng lượng...

Thêm vào đó, cần xây dựng cơ chế chính sách liên kết Vùng kinh tế về các ngành công nghiệp mũi nhọn và công nghiệp hỗ trợ mục tiêu; chính sách hỗ trợ ưu đãi cho các doanh nghiệp theo các cụm công nghiệp; kêu gọi đầu tư nước ngoài và sử dụng hợp lý nguồn ngân sách Nhà nước, áp dụng lãi suất ưu đãi và kéo dài thời gian vay vốn đối với các dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ ngành công nghiệp./.

Văn Sơn (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục