Phát triển đô thị: 'Không phải cứ lắp thiết bị hiện đại là thông minh'

Theo đại diện Bộ Xây dựng, mục tiêu của phát triển đô thị thông minh không phải là đạt được bao nhiêu tiêu chí, mà là phát triển đô thị xanh bền vững, nâng cao được chất lượng sống cho người dân.
Phát triển đô thị: 'Không phải cứ lắp thiết bị hiện đại là thông minh' ảnh 1Trung tâm điều hành thông minh tại Kiên Giang. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Mặc dù cả nước đã có hơn 40 tỉnh, thành có trung tâm điều hành đô thị thông minh, song nhiều ý kiến cho rằng việc phát triển đô thị hiện nay vẫn chưa được như kỳ vọng. Bởi lẽ, “gốc” của đô thị thông minh theo Nghị quyết 06-NQ/TW là phát triển bền vững theo hướng tăng trưởng xanh và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu hiệu quả, chứ không phải “cứ lắp các thiết bị hiện đại là thông minh.”

Nhận thức đúng để phát triển bền vững

Sáng 20/7, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus về nội dung trên, tiến sỹ Lưu Đức Minh, Phó Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị - AMC (Bộ Xây dựng) cho hay mục tiêu của phát triển đô thị thông minh không phải là đạt được bao nhiêu tiêu chí, mà là nâng cao được chất lượng sống cho người dân.

Chính vì thế, trong thời gian qua, được sự chỉ đạo của Bộ Xây dựng cũng như sự phối hợp của những đơn vị liên quan, Học viện AMC đã triển khai, thực hiện các nhiệm vụ của “Dự án hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc về đô thị thông minh và công nghệ xây dựng,” với mục đích thành lập một trung tâm chuyên nghiệp, qua đó thúc đẩy nghiên cứu, đào tạo về đô thị thông minh và công nghệ xây dựng tiên tiến.

Dự án trên được Bộ Xây dựng kỳ vọng sẽ từng bước cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng trong thúc đẩy phát triển đô thị thông minh bền vững đến năm 2030.

Hiện nay, Học viện AMC đang triển khai chương trình đào tạo về đô thị thông minh thông qua 4 lĩnh vực chính, bao gồm: Tổng quan về đô thị thông minh, quản lý phát triển đô thị thông minh; các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và phát triển đô thị thông minh; giới thiệu các bộ tiêu chuẩn, chỉ số về đô thị thông minh; các nội dung xây dựng đô thị thông minh.

Theo ông Minh, chương trình đào tạo trên hướng đến việc nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý nhà nước (từ lãnh đạo của tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành đến chính quyền đô thị, các cán bộ chuyên môn ở địa phương), để từ đó tham mưu cho tỉnh về phát triển đô thị thông minh theo đề án riêng của từng tỉnh, từng địa phương.

[Thí điểm chính quyền đô thị ở Hà Nội: Điều chỉnh những bất cập]

“Bản chất gốc của đô thị bền vững theo định hướng Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị, là phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu. Vì thế, để đô thị thông minh thì trước tiên cán bộ quản lý các cấp cần phải nhận thức đúng và các vấn đề còn tồn tại của đô thị cần được giải quyết,” ông Minh nhấn mạnh.

Phát triển đô thị: 'Không phải cứ lắp thiết bị hiện đại là thông minh' ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)

Nêu ví dụ, ông Minh cho hay khi đô thị hóa thì các vấn đề còn tồn tại của đô thị như nhu cầu về nhà ở, công tác quy hoạch, thoát nước, giao thông, xử lý rác thai,… cần phải được giải quyết cũng như đầu tư xây dựng bài bản, đồng bộ, để nâng cao chất lượng đô thị cũng như chất lượng sống cho mọi người dân được tốt hơn.

“Song hành với chương trình đào tạo này, hiện nay, Học viện AMC cũng đang tiến hành xây dựng Đề án nâng cao năng lực cán bộ quản lý xây dựng và đô thị đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đô thị Việt Nam trong giai đoạn mới,” ông Minh nói thêm.

Nghị quyết 06 là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt

Trước đó, tại Hội thảo xin ý kiến về “Chương trình đào tạo về đô thị thông minh” trong khuôn khổ Dự án VKC, diễn ra trong ngày 18/7, Phó Giáo sư - Tiến sỹ Lưu Đức Hải, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng, nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị cũng cho rằng phát triển đô thị thông minh là tất yếu.

Vì thế, theo ông Hải, nội dung chương trình đào tạo trên nên nhấn mạnh về phát triển bền vững đô thị thông minh; trong đó cần cụ thể hóa Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.”

Phát triển đô thị: 'Không phải cứ lắp thiết bị hiện đại là thông minh' ảnh 3Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Trong khi đó, Phó Giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng đô thị (Bộ Xây dựng) cho rằng chương trình đào tạo về đô thị thông minh cần cải tiến theo hướng bớt dàn trải, nên tổng hợp lại theo các nhóm về như: Nhóm cơ sở dữ liệu, nhóm quy hoạch và nhóm vận hành về đô thị thông minh.

Cùng với đó, hướng đào tạo cũng cần tập trung vào quản trị đô thị thông minh, nên có nội dung đào tạo về tiến trình các bước cần đạt được để xây dựng đô thị thông minh, giúp cho người học hiểu phải hoàn thiện những gì để phát triển đô thị thông minh.

Đồng quan điểm với chương trình và đối tượng đào tạo, Thạc sỹ Bạch Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm thông tin (Bộ Xây dựng) cho rằng các chuyên đề chuyên sâu cần lựa chọn thứ tự lĩnh vực cần làm trước. Việc đưa các tiêu chí đô thị thông minh vào ngay trong quá trình lập quy hoạch sẽ hiệu quả hơn. Chương trình đào tạo cần đưa nội dung quản trị đô thị thông minh vào trong hệ thống dữ liệu.

Tiến sỹ Vũ Anh, Giảng viên Đại học Kiến trúc Hà Nội cũng cho rằng chương trình cần xác định nguồn lực đầu tư cho đô thị thông minh gồm nhân lực, vốn và các nguồn lực khác.

“Vì vậy, chương trình đào tạo cần vận dụng công cụ trong phát triển đô thị thông minh. Nghị quyết 06-NQ/TW sẽ là ‘sợi chỉ đỏ’ xuyên suốt để xây dựng các chương trình phát triển đô thị thông minh bền vững. Do đó, học viện nên chia nhóm vấn đề cần đào tạo và học tập để chương trình rõ nét và hiệu quả,” Tiến sỹ Vũ Anh chia sẻ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục