Phát triển năng lượng bền vững: Đa dạng thành phần tham gia

Đa dạng hóa hình thức đầu tư, thành phần tham gia đặc biêt là thúc đẩy đầu tư tư nhân vào lĩnh vực năng lượng là những giải pháp nhằm phát triển bền vững năng lượng quốc gia.
Phát triển năng lượng bền vững: Đa dạng thành phần tham gia ảnh 1Một nhà máy điện mặt trời ở huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) mới được đưa vận hành trong năm 2019. (Ảnh: Ngọc Hà//TTXVN)

Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về “Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” không chỉ nêu bật những định hướng quan trọng, nguyên tắc, mục tiêu để tiếp tục xóa bỏ rào cản mà còn tạo thuận lợi cho tất cả các thành phần kinh tế, nhất là khu vực tư nhân tham gia vào lĩnh vực năng lượng, góp phần phát triển bền vững năng lượng quốc gia.

Thúc đẩy đầu tư tư nhân vào lĩnh vực năng lượng

Tại diễn đàn "Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2020," ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương nhấn mạnh các chính sách phát triển hạ tầng năng lượng, thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực năng lượng của Đảng và Nhà nước đã có từ rất sớm.

Từ năm 2004, trong Luật Điện lực đã quy định các chính sách về thu hút đầu tư tư nhân như “Phát triển điện lực bền vững trên cơ sở khai thác tối ưu mọi nguồn lực, đáp ứng nhu cầu điện năng phục vụ đời sống nhân dân và phát triển kinh tế-xã hội với chất lượng ổn định, an toàn và kinh tế, dịch vụ văn minh, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và an ninh năng lượng quốc gia; Thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động phát điện, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện và tư vấn chuyên ngành điện lực; Đẩy mạnh việc khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo để phát điện; có chính sách ưu đãi đối với dự án đầu tư phát triển nhà máy phát điện sử dụng các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo.”

[Tư nhân hóa trong phát triển năng lượng: Gỡ vướng từ cơ chế]

Đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với các định hướng như khuyến khích các tổ chức, cá nhân với các hình thức khác nhau tham gia vào việc phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo, Nhà nước bảo hộ các quyền lợi và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo; Bộ Công Thương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt giá điện áp dụng cho các dự án sản xuất điện sử dụng năng lượng tái tạo nối lưới. Giá bán điện được phù hợp với các điều kiện của các khu vực khác nhau và các đặc điểm của công nghệ phát điện từ các nguồn năng lượng tái tạo khác nhau, theo nguyên tắc giúp thúc đẩy sự phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo, bảo đảm nhà đầu tư thu hồi được chi phí và có lợi nhuận hợp lý; giá bán điện được điều chỉnh kịp thời, phù hợp với sự phát triển của các công nghệ sử dụng nguồn năng lượng tái tạo..."

Thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ trong việc khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng trong đó có năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu đề xuất các khuôn khổ pháp lý, xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện năng lượng tái tạo.

Cụ thể, từ năm 2011 đến nay, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cơ chế bán điện từ các dự án điện năng lượng tái tạo như điện gió, điện sinh khối, điện từ chất thải rắn, điện mặt trời theo Biểu giá bán điện cố định (FIT) trong 20 năm.

Đặc biệt, Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 và Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam và cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/6/2011 và được sửa đổi bổ sung tại Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg ngày 10/9/2018 đã tạo ra sự "bùng nổ" của các dự án điện mặt trời, điện gió mà chủ yếu là các nhà đầu tư tư nhân phát triển.

Đa dạng hóa hình thức đầu tư

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho biết trong lĩnh vực năng lượng có rất nhiều các dự án nhà máy điện do các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư tại Việt Nam và thu xếp vốn vay từ các tổ chức tài chính quốc tế đã và đang triển khai theo hình thức BOT (Xây dựng-Vận hành-Chuyển giao).

Phát triển năng lượng bền vững: Đa dạng thành phần tham gia ảnh 2Trạm biến áp 220kV Tháp Chàm được nâng công suất để giải tỏa công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Thực tế, trong lĩnh vực năng lượng, hoạt động đầu tư nước ngoài vào các dự án nguồn điện đều là dự án lớn, vốn đầu tư lớn và đầu tư theo hình thức BOT đã làm giảm áp lực vốn cho Chính phủ trong những dự án kết cấu hạ tầng quan trọng.

Đặc biệt, các dự án có vốn lớn, công nghệ phức tạp tại các dự án nguồn điện góp phần quan trọng vào việc cung ứng điện cho hệ thống điện quốc gia, nhất là trong bối cảnh các Tập đoàn nhà nước như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Than và khoáng sản (TKV) khó khăn về vốn đầu tư cho các dự án nguồn điện.

Các dự án đầu tư nguồn điện theo hình thức BOT được xem là một trong những biện pháp quan trọng nhằm huy động vốn để phát triển kết cấu hạ tầng ngành điện.

Hình thức này không những góp phần làm giảm bớt tình trạng thiếu hụt điện năng, giảm bớt gánh nặng đầu tư cho nhà nước mà còn đem lại các lợi ích khác như chuyển giao công nghệ, sử dụng vốn, sáng kiến, bí quyết công nghệ, trình độ quản lý và nhiều mục tiêu khác.

Ngày 18/6/2020, Quốc hội đã ban hành Luật số 64/2020/QH14 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (hiệu lực từ 1/1/2021, trong đó lĩnh vực đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) bao gồm lưới điện, nhà máy điện, trừ nhà máy thủy điện và các trường hợp Nhà nước độc quyền theo quy định của Luật Điện lực.

Như vậy, mặc dù Luật PPP quy định đầu tư lưới truyền tải, nhưng vẫn loại trừ các trường hợp độc quyền theo quy định Luật Điện lực. Do đó, để thực hiện đầu tư tư nhân lưới điện truyền tải vẫn phải sửa nội dung của Luật Điện lực về quy định độc quyền trong hoạt động truyền tải điện, trong đó, có thể chỉ xem xét một số hoạt động độc quyền nhà nước như quản lý, vận hành lưới điện truyền tải.

Thời gian vừa qua, có rất nhiều các dự án nhà máy điện tại Việt Nam có sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài. Tỷ lệ nguồn điện được đầu tư theo hình thức BOT và IPP (hình thức đầu tư xây dựng theo hình thức dự án điện độc lập) trong cơ cấu nguồn điện toàn quốc đã tăng lên đáng kể, từ 14,41% (tương đương 4.344 MW) vào năm 2010 đã tăng lên 27,29% (tương đương 15.591 MW) vào năm 2019 (chưa kể đến các dự án điện gió, điện mặt trời đã đưa vào vận hành và đang xây dựng năm 2020).

Kết quả tỷ lệ tham gia đầu tư tư nhân trong lĩnh vực điện lực ngày càng tăng là do Đảng, Nhà nước đã có những chủ trương, chính sách, chiến lược đúng đắn để thúc đẩy phát triển đầu tư tư nhân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục