Tư nhân hóa trong phát triển năng lượng: Gỡ vướng từ cơ chế

Mặc dù “sân chơi” cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực năng lượng rất rộng song đến nay, các dự án mới chỉ tập trung vào phần nguồn điện, trong khi hệ thống đường dây truyền tải còn vắng bóng.
Các dự án năng lượng tái tạo đưa vào vận hành thương mại đã đóng góp đáng kể cho sự phát triển ngành công nghiệp của Ninh Thuận. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)
Các dự án năng lượng tái tạo đưa vào vận hành thương mại đã đóng góp đáng kể cho sự phát triển ngành công nghiệp của Ninh Thuận. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Năng lượng là ngành kinh tế-kỹ thuật giữ vai trò trọng yếu và có tính tiên phong, làm nền tảng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Phát triển năng lượng là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược quan trọng để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trước nhu cầu sử dụng năng lượng cho phát triển kinh tế-xã hội ngày càng tăng lên trong khi các nguồn nhiên liệu sơ cấp dần cạn kiệt, Nghị quyết số 55/NQ-TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 55) được ban hành tháng 2/2020 đã xác định rõ mục tiêu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững...

Một điểm nổi bật tại Nghị quyết này đó là khuyến khích khu vực tư nhân tham gia đầu tư phát triển năng lượng. Điều này được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những vướng mắc, bất cập của khu vực tư nhân khi tham gia phát triển năng lượng trong thời gian vừa qua.

Tại Diễn đàn cấp cao về năng lượng Việt Nam 2020 diễn ra gần đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cũng nhấn mạnh ngành năng lượng Việt Nam đang từng bước chuyển đổi sang cơ chế thị trường và sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả. Ngành cũng từng bước thúc đẩy và huy động được nguồn lực lớn cho phát triển với sự tham gia của các thành phần kinh tế; đặc biệt là khối tư nhân trong phát triển năng lượng tái tạo.

Rõ ràng về định hướng

Ngày 11/2/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị đã ký ban hành Nghị quyết số 55. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia năng lượng, Nghị quyết 55 đã nêu toàn diện và rõ ràng về định hướng thu hút đầu tư tư nhân vào ngành năng lượng.

Tiến sỹ Đoàn Văn Bình, Viện trưởng Viện Khoa học năng lượng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nhìn nhận quan điểm chỉ đạo trong nghị quyết rất toàn diện và nêu được định hướng cốt lõi cho phát triển ngành năng lượng trong tương lai, đó là đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, là nền tảng cho mọi sự phát triển tiếp theo. Nghị quyết quy định phát triển đồng bộ và hợp lý, đa dạng các loại hình năng lượng; ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng...

Theo Tiến sỹ Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam, có thể thấy việc thúc đẩy đầu tư cho các nguồn năng lượng tái tạo sẽ giúp cân bằng được kết cấu nguồn điện. Cụ thể, trong Nghị quyết 55 khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng, kiên quyết loại bỏ mọi biểu hiện bao cấp độc quyền cạnh tranh không bình đẳng, thiếu minh bạch trong ngành năng lượng. Đây là điểm nhấn rất quan trọng.

Từ năm 2015, Việt Nam đã trở thành nước nhập khẩu năng lượng; đến năm 2017, lượng nhập khẩu đã lên tới 18%, gồm than, khí đốt, điện... Do vậy, việc phát triển các nguồn năng lượng trong nước như điện gió, điện Mặt Trời sẽ giúp giảm lượng nhập khẩu và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Bùi Xuân Hồi, giảng viên cao cấp của bộ môn kinh tế, công nghiệp, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đánh giá, một trong những thị trường khó khăn nhất để tư nhân hóa là điện. Từ trước đến nay, chúng ta chưa khẳng định được, thì điều này đã nói rõ hơn trong Nghị quyết 55.

Đầu tư vào đâu?

Thực tế, trước khi Nghị quyết 55 được ban hành, Việt Nam đã khuyến khích tư nhân tham gia phát triển nguồn năng lượng tái tạo. Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tính đến nay, cả nước có tổng cộng 99 dự án điện Mặt Trời đi vào vận hành với tổng công suất hơn 5.000 MW; có 11 nhà máy điện gió đang hoạt động với tổng công suất 429 MW và 335 MW công suất điện sinh khối, điện chất thải rắn.

Tiến sỹ Nguyễn Mạnh Cường, Phó trưởng phòng Phát triển hệ thống điện, Viện Năng lượng - Bộ Công Thương, cho hay kinh tế tư nhân đang chiếm khoảng 27% công suất điện của cả nước. Trong tương lai, khi nhu cầu sử dụng năng lượng tăng lên, rất cần huy động thêm nguồn lực tư nhân vào mọi khâu của sản xuất điện, lưới điện, tiêu thụ điện và nhiều hơn nữa nếu Chính phủ có chính sách hấp dẫn và phù hợp, đầu tư có lợi nhuận.

Mặc dù “sân chơi” cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực năng lượng rất rộng song đến nay, các dự án mới chỉ tập trung vào phần nguồn điện, trong khi hệ thống đường dây truyền tải còn vắng bóng.

Hiện mới chỉ có một doanh nghiệp là Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam đầu tư xây dựng trạm biến áp 500 kV và đường dây 500 kV, 220 kV tại xã Phước Minh (huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận) để giải tỏa nhà máy điện Mặt Trời do doanh nghiệp này đầu tư. Còn lại các doanh nghiệp tư nhân khác chỉ mới đầu tư vào các nhà máy điện (nguồn điện) để bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mà chưa đầu tư vào trạm biến áp hay đường dây để giải tỏa công suất. Việc truyền tải vẫn phụ thuộc vào EVN.

Tư nhân hóa trong phát triển năng lượng: Gỡ vướng từ cơ chế ảnh 1Hệ thống năng lượng mặt trời mái nhà của một doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Amata, phường Long Bình, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai. (Ảnh: Nguyễn Văn Việt/TTXVN)

Theo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương, do Luật Điện lực có quy định Nhà nước độc quyền trong hoạt động truyền tải, vì vậy, trường hợp để tư nhân tham gia đầu tư lưới điện truyền tải, Bộ Công Thương đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, kiến nghị trình Quốc hội ban hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); trong đó, cho phép áp dụng các quy định về xã hội hóa đối với lưới điện truyền tải.

Khi đó, việc đề xuất tư nhân đầu tư lưới điện truyền tải sẽ được áp dụng theo quy định của Luật PPP. Tuy nhiên, cần cân nhắc chỉ nên cho phép đầu tư hệ thống lưới điện truyền tải mà không mang tính chất xương sống, huyết mạch của Hệ thống điện quốc gia để không làm ảnh hưởng đến an ninh năng lượng, an ninh quốc gia, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho hay.

[Cuối năm sẽ có phương án thực hiện đấu thầu điện Mặt Trời]

Đại diện doanh nghiệp, ông Nguyễn Quang Huân, Chủ tịch Công ty cổ phần Halcom Việt Nam cho biết: “Các nhà đầu tư mong muốn có một kế hoạch dài hạn để lên kế hoạch tương ứng cho doanh nghiệp trong khoảng 5 năm, 10 năm. Doanh nghiệp đầu tư đang gặp khó khăn, như: điện Mặt Trời gần một năm nay không ra được giá điện; điện gió vẫn chưa có giá mới sau thời hạn cuối năm 2021. Các nhà đầu tư hiện nay đã đầu tư dang dở, nếu không có giá điện mới sẽ rất khó triển khai đề án; các tổ chức tài chính, ngân hàng cũng không giải ngân..."

Ông Huân cũng cho rằng, thời gian vừa qua, việc phát triển nhanh các dự án năng lượng tái tạo (đặc biệt là điện Mặt Trời) trong khi hệ thống lưới điện chưa theo kịp đã khiến nhiều dự án phải giảm công suất phát, chỉ đạt từ 30-50% công suất. Điều này cũng khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Mạnh Cường, với khoảng 6.000 MW “điện sạch” đưa vào nguồn nhưng hệ thống lưới điện không theo kịp để truyền tải hết nên đã gây ra tắc nghẽn. Đầu tư một hệ thống truyền tải điện, trung bình một đường dây tải điện mất năm năm, trạm biến áp mất bốn năm. Do vậy, trong thời gian ngắn chỉ 1-2 năm, ngành điện không thể đầu tư kịp để giải tỏa công suất các nguồn điện được đưa vào vận hành.

Hiện Bộ Công Thương và Chính phủ đang có các giải pháp quyết liệt đẩy nhanh tiến độ các đường dây truyền tải mới và hy vọng trong 1-2 năm nữa có thể giải tỏa hết các nguồn điện này.

“Chính phủ cũng đã giao cho Bộ Công Thương và Viện Năng lượng phải sớm xây dựng được một cơ cấu nguồn hợp lý từ nay đến năm 2030, thậm chí dài hạn đến năm 2045: điện Mặt Trời bao nhiêu MW, điện gió bao nhiêu MW, điện khí bao nhiêu và bố trí ở chỗ nào? Đấy chính là cơ sở để Chính phủ kêu gọi đầu tư, không chỉ là các nhà đầu tư trong nước, mà còn ngoài nước nhìn vào lộ trình đó có thể đưa ra quyết định đầu tư," ông Nguyễn Mạnh Cường nói.

Theo Tiến sỹ Bùi Xuân Hồi, chủ trương tư nhân hóa trong phát triển ngành năng lượng là tất yếu. Nhưng hệ thống truyền tải của quốc gia kéo dài hàng nghìn km chứ không phải đơn thuần là 5-10km để tư nhân có thể đầu tư. Ngay ở châu Âu, khi thị trường điện rất phát triển thì hệ thống truyền tải vẫn hoàn toàn do Nhà nước đầu tư và quản lý. Vì vậy, cần hết sức thận trọng trong quá trình tái cấu trúc ngành điện, đặc biệt là liên quan đến hệ thống truyền tải.

“Đây là câu chuyện liên quan đến hành lang pháp lý, tài sản, cơ chế phối hợp giữa người cấp vốn và người điều hành hệ thống. Chúng ta không nên nhìn nhận theo xu hướng mà phải triển khai một cách rất thận trọng, làm sao để khi thực hiện theo Nghị quyết 55 mang lại hiệu quả," Tiến sỹ Bùi Xuân Hồi lưu ý.

Điều kiện cần và đủ

Rõ ràng, để thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực năng lượng, ngoài việc có những ưu đãi, hỗ trợ về giá để đảm bảo có lợi nhuận thì việc chuẩn bị hành lang pháp lý, chiến lược phát triển ngành dài hơi là rất cần thiết.

Theo Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam Nguyễn Tâm Tiến, Nghị quyết 55 như một “đòn bẩy” cho doanh nghiệp đầu tư. Nhưng còn thiếu “điểm bẩy," ở đây chính là hành lang pháp lý và việc các bộ, ngành, EVN tham gia phối hợp, đồng hành cùng doanh nghiệp tư nhân khi thực hiện dự án. Có "đòn bẩy," đồng nghĩa với việc cánh cửa cho tư nhân đã mở nhưng nếu không có "điểm bẩy," doanh nghiệp tư nhân không rõ lối đi thì cũng rất lo ngại.

“Chính vì thế, chúng tôi mong muốn có một hành lang pháp lý cùng các điều kiện cần và đủ, đảm bảo sự hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và cộng đồng để tư nhân mạnh dạn tham gia vào lĩnh vực truyền tải năng lượng," ông Tiến cho hay.

Theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ Bùi Xuân Hồi, để thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân vào năng lượng, thứ nhất, Việt Nam phải lựa chọn những khu vực đầu tư có xác suất tư nhân hóa thành công cao nhất. Tiếp theo chuẩn bị hành lang pháp lý, tư nhân hóa trong lĩnh vực cung cấp năng lượng và phải được “rào kín," đầy đủ để nhà đầu tư tư nhân yên tâm.

“Và cuối cùng là các cơ chế hỗ trợ phải đảm bảo được nhà đầu tư có lợi nhuận, bởi có thế mới thu hút được đầu tư; đồng thời, những chính sách đó phải có tính chất liên tục và dài hạn, tránh câu chuyện như hiện nay về giá điện Mặt Trời và điện gió, chưa có cho giai đoạn tới," Phó Giáo sư-Tiến sỹ Hồi nói.

Tiến sỹ Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, vấn đề quan trọng nhất là lựa chọn các nhà đầu tư đủ năng lực về vốn, con người... để thi công đúng hạn. Hy vọng, Chính phủ có các cơ chế, chính sách để sàng lọc được các nhà đầu tư chất lượng và cho phép tham gia đầu tư vào nguồn điện cũng như các hệ thống khác trong chuỗi cung cấp năng lượng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục