Cuối năm sẽ có phương án thực hiện đấu thầu điện Mặt Trời

Đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo - Bộ Công Thương cho biết, Bộ đang trong quá trình xây dựng các phương án thực hiện đấu thầu điện Mặt Trời.
Cuối năm sẽ có phương án thực hiện đấu thầu điện Mặt Trời ảnh 1Dự án điện mặt trời Nhị Hà thi công trên vùng núi đá ở xã Nhị Hà, huyện Thuận Nam đã được đưa vào vận hành. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo - Bộ Công Thương cho biết, Bộ đang trong quá trình xây dựng các phương án thực hiện đấu thầu điện Mặt Trời.

Dự kiến đến cuối năm nay 2020 sẽ có phương án đầu tiên, còn các phương án 2 và 3, đến giữa năm sau sẽ xong.

“Bộ Công Thương đang hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt. Ngoài ra, Bộ Công Thương đang phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á nghiên cứu, thí điểm đấu thầu dự án điện Mặt Trời nổi trên hồ thủy điện. Dự kiến trong năm 2020 sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ để tiến hành đầu thầu thí điểm,” đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho hay.

Theo Bộ Công Thương, đến nay, tổng số công suất lắp đặt các dự án điện năng lượng tái tạo trên toàn quốc đạt hơn 6.000 MW, với khoảng 4.500 MW điện Mặt Trời quy mô lớn và khoảng 350 MW điện Mặt Trời áp mái, 440 MW điện gió, 340 MW điện sinh khối và gần 10 MW điện từ chất thải rắn.

Trước đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có văn bản gửi Bộ Công Thương đề xuất cơ chế đấu thầu cho các dự án điện Mặt Trời.

Theo đó, Phương án 1: Đấu thầu cho từng dự án. Đây là dự án lớn đã được bổ sung quy hoạch, có điều kiện thuận lợi về: Bức xạ tốt; điều kiện đấu nối tốt và đất đai/mặt nước và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chỉ định để thực hiện đấu thầu theo hình thức này.

Phương án đấu thầu: Bổ sung dự án vào quy hoạch, thực hiện trên cơ sở đề xuất của Ủy ban Nhân dân các tỉnh và thẩm định bởi Viện Năng lượng.

Bộ Công Thương sẽ quyết định trên cơ sở tham khảo ý kiến của EVN (hoặc theo đề xuất của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), EVN trực tiếp xây dựng Pre-FS để phối hợp cùng Ủy ban Nhân dân các tỉnh trình Bộ Công Thương đề nghị bổ sung quy hoạch).

[Phát triển hơn 8.730 dự án điện Mặt Trời mái nhà miền Trung-Tây Nguyên]

Ưu điểm của phương án này là chủ đầu tư không phải chịu rủi ro về quy hoạch nguồn. Nhưng nhược điểm là chỉ phù hợp với các dự án lớn, nếu dự án quy mô nhỏ sẽ tốn nhiều thời gian và chi phí tổ chức để có thể thu hút một lượng công suất lớn trong một giai đoạn nhất định.

Phương án 2, EVN đề xuất đấu thầu đại trà, là các dự án đã được các tỉnh đề xuất, đã phù hợp về quy hoạch đất đai các tỉnh.

Phương án này thực hiện trên nguyên tắc: kiểm tra điều kiện đấu nối cho mỗi vòng đấu thầu theo nguyên tắc EVN chỉ xây dựng các công trình lưới theo quy hoạch và chủ đầu tư chịu trách nhiệm các công trình đấu nối đến lưới điện do EVN sở hữu - có thể coi đây là vòng sơ loại...

Ưu điểm của phương án này là kế thừa được cách thức phát triển dự án trước đây. Chủ đầu tư đã làm việc với tỉnh về đất đai và đã bỏ chi phí thực hiện một số giai đoạn phát triển dự án..., nay chủ đầu tư tiếp tục có quyền phát triển dự án.

Tuy nhiên để phát triển dự án thành công, chủ đầu tư phải tiết kiệm chi phí đưa ra giá chào tại điếm đấu nối ở mức cạnh tranh.

Phương án đấu thầu đại trà trong phạm vi cả nước được nhiều nước sử dụng đặc biệt là Nam Phi và Trung Quốc.

Nhược điểm của phương án này là cần có quy trình để sự phối hợp của các tỉnh, EVN và Bộ Công Thương. Đặc biệt tại vòng sơ loại, cần có Quy trình và tiêu chí lựa chọn đảm bảo tính có thể dự báo được và có thể giám sát được từ phía các chủ đầu tư.

Để khắc phục được nhược điểm này, có thể nghiên cứu kinh nghiệm Trung Quốc về việc phân bổ lượng công suất điện Mặt Trời cho từng tỉnh căn cứ theo tải của tỉnh đó + tổng công suất năng lượng tái tạo đã đưa vào vận hành của từng tỉnh và sử dụng các tiêu chí này để lựa chọn các dự án vòng sơ loại một cách minh bạch.

Phương án 3, EVN cho hay, đấu thầu khu vực, áp dụng cho tất cả các chủ đầu tư có nhu cầu, đấu thầu tại các khu vực hoặc trạm biến áp được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chỉ định.

Phương án này có ưu điểm là tăng tính cạnh tranh và các ưu điểm khác tương tự phương án đấu thầu đại trà. Phạm vi thực hiện có thể theo từng tỉnh và không cần bước sơ loại như phương án 2. Có thể mua được công suất theo đúng nhu cầu tại từng khu vực cụ thể.

Nhược điểm là khó có thể tính toán và công bố được công suất có thể trao đổi qua từng trạm và đường dây hiện hữu, đặc biệt là các đường dây liên kết các trạm; Khó có thể tích hợp yếu tố phụ tải của tỉnh, của vùng trong việc xem xét về giải tỏa công suất và bổ sung quy hoạch điện Mặt Trời.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục