Phát triển nhà ở thương mại giá rẻ giai đoạn 2021-2025

Theo Phó Cục trưởng Quản lý nhà-thị trường Bất động sản Nguyễn Mạnh Khởi, góp phần giải quyết nhu cầu nhà ở tăng cho dân đặc biệt các đô thị lớn, Nhà nước cần phát triển nhà ở thương mại giá rẻ.
Phát triển nhà ở thương mại giá rẻ giai đoạn 2021-2025 ảnh 1Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)

Tại hội thảo: “Phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025, phân khúc nào phù hợp” do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức ngày 24/12 tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng cho rằng để góp phần giải quyết nhu cầu nhà ở tăng cao cho người dân đặc biệt tại các đô thị lớn, Nhà nước cần thiết phải phát triển nhà ở thương mại giá rẻ.

Tuy nhiên, việc phát triển nhà ở thương mại phụ thuộc rất nhiều vào giá đất tại từng địa phương, từng khu vực.

Theo ông Nguyễn Mạnh Khởi, đối với 2 thành phố lớn Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là nơi có giá đất cao hơn nhiều so với các địa phương khác nên việc đầu tư xây dựng nhà ở giá thấp sẽ khó khả thi nếu Nhà nước không có cơ chế ưu đãi về giá đất. Vì vậy, việc ban hành các giải pháp khuyến khích phát triển các dự án nhà ở thương mại giá thấp, phù hợp với khả năng chi trả của đại bộ phận dân cư khu vực đô thị là rất cần thiết.

Hiện nay, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu một số nhóm giải pháp nhằm khuyến khích hoạt động phát triển nhà ở thương mại giá rẻ. Đơn cử là đề nghị các địa phương khi rà soát, xây dựng, phê duyệt chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở phải xác định rõ chỉ tiêu phát triển nhà ở thương mại giá thấp cũng như xác định cụ thể danh mục các dự án nhà ở thương mại giá thấp.

[Xu hướng phát triển thị trường bất động sản TP.HCM năm 2021] 

Xây dựng tiêu chuẩn thiết kế và giá bán nhà ở thương mại giá thấp theo phương án giá bán không vượt quá 25 triệu đồng/m2 đối với các thành phố trực thuộc Trung ương, không quá 20 triệu đồng/m2 đối với các địa phương còn lại. Giá bán đã bao gồm VAT, chưa có kinh phí bảo trì phần sở hữu chung.

Cùng với đó là cơ chế ưu đãi về đất đai. Doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng nhà ở thương mại giá thấp được chậm nộp tiền sử dụng đất trong thời hạn quy định kể từ ngày được Nhà nước giao đất, cho thuê đất hoặc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về đầu tư.

Cùng với đó, doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở thương mại giá thấp được miễn thủ tục thẩm định bước thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở, được cung cấp miễn phí thiết kế mẫu, thiết kế điển hình nhà ở thương mại do cơ quan có thẩm quyền ban hành để tham khảo…

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, từ 2 năm trở lại đây thị trường nhà ở tại các đô thị xuất hiện tình trạng lệnh pha cung-cầu, số lượng dự án được phê duyệt đầu tư hạn chế. Từ đó, tạo nên sự khan hiếm nguồn cung cho thị trường.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, phân khúc nhà ở giá rẻ (dưới 25 triệu đồng/m2) đã “biến mất” còn tại Hà Nội tỷ trọng của phân khúc này cũng chỉ chiếm 10%. Vì vậy đại bộ phận người dân có thu nhập thấp đang mất dần khả năng sở hữu nhà ở.

Phát triển nhà ở thương mại giá rẻ giai đoạn 2021-2025 ảnh 2Các chuyên gia toạ đàm về xu hướng phát triển thị trường bất động sản giai đoạn 2021-2025. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)

Đáng chú ý, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng giá bất động sản không hề có dấu hiệu suy giảm, thậm chí còn tăng cao. Đặc biệt, tại Thành phố Hồ Chí Minh, quý 3 vừa qua giá căn hộ tăng mạnh từ 15-20% so với quý trước đó. Thậm chí, tại một số dự án, giá bán tăng gấp gần 2 lần. Tuy nhiên, tăng giá không phải là tăng chất lượng hay dịch vụ mà tăng giá là do khan hiếm hàng hóa. Điều này là không phù hợp với chủ trương của Chính phủ.

Tại hội thảo, chuyên gia tài chính Võ Trí Thành đề xuất Nhà nước có chính sách hỗ trợ về mặt tài chính cho việc phát triển nhà ở giá rẻ như cho vay với lãi suất thấp, phát triển nhà ở cho thuê cũng như có chiến lược phát triển nhà ở xã hội dài hạn.

Trong khi đó, dưới góc độ quản lý chuyên ngành địa phương, đề cập đến định hướng và giải pháp phát triển nhà ở trong giai đoạn 2021-2025, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh cho hay thành phố sẽ chuyển đổi mô hình nhà ở từ thấp tầng sang nhà ở cao tầng hiện đại.

Đồng thời, khuyến khích bằng cơ chế và chính sách mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng nhà ở, đặc biệt đối với nhà ở xã hội, phát triển đa dạng các loại hình nhà ở về giá cả, vị trí, diện tích… đảm bảo số lượng nhà ở để đáp ứng dân số tăng nhanh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục