Trong nhiều năm gần đây, lĩnh vực bất động sản luôn đứng thứ 2 về thu hút nguồn vốn đầu tư FDI, chỉ sau lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.
Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kết thúc 3 quý đầu của năm 2020, vốn đăng ký đầu tư trong lĩnh vực bất động sản chỉ đạt tổng vốn đăng ký gần 3,2 tỷ USD, chiếm khoảng 15% tổng nguồn vốn FDI đăng ký mới.
Như vậy, sau thời gian dài giữ vị trí số 2 sau lĩnh vực công nghiệp, chế biến, chế tạo, hoạt động kinh doanh bất động sản đã bị tụt xuống vị trí thứ 3 trong thu hút vốn của nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, tổng vốn FDI đăng ký vào lĩnh vực bất động sản đã tăng dần từ mức 0,264 tỷ USD trong quý 1 lên 0,586 tỷ USD vào quý 2 và bứt phá lên con số 2,35 tỷ USD ở quý 3.
Theo Bộ Xây dựng, mặc dù thị trường bất động sản chịu tác động kép do dịch bệnh COVID-19 bùng phát trong tháng 7 và chịu ảnh hưởng tâm lý khách hàng "né" tháng ngâu nhưng thị trường vẫn có phản ứng tích cực.
Điều này thể hiện qua số liệu về tổng vốn FDI đăng ký vào lĩnh vực bất động sản tăng mạnh tới 4 lần so với quý 2/2020.
[Thanh khoản tăng, tồn kho bất động sản đang giảm dần]
Đây chính là tín hiệu tốt cho việc bổ sung nguồn vốn quan trọng để đầu tư phát triển lĩnh vực bất động sản nói riêng và đóng góp quan trọng đối với đầu tư phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam nói chung.
Bộ Xây dựng đánh giá, sau hai đợt dịch bệnh COVID-19, hầu hết các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản đã bắt đầu hoạt động trở lại. Các doanh nghiệp kinh doanh và phát triển bất động sản đã bắt đầu mở bán các dự án, công bố kế hoạch kinh doanh thời kỳ sau đại dịch cùng với kế hoạch tuyển dụng lao động, tìm kiếm nhân sự phù hợp cho kế hoạch lâu dài.
Mặc dù thị trường vẫn còn nhiều khó khăn nhưng các doanh nghiệp kinh doanh và doanh nghiệp phát triển bất động sản đã có những giải pháp để tiếp cận khách hàng; thậm chí, thay đổi khu vực phát triển để đón đầu xu thế dịch chuyển dòng vốn FDI, xu thế đô thị hóa ở một số địa phương ngoài các đô thị lớn.
Cùng với những ưu đãi đặc biệt của thiên nhiên, hệ thống giao thông đi lại được cải thiện hơn, chính sách đầu tư thông thoáng, tạo nhiều điều kiện cho nhà đầu tư trong và ngoài nước đã giúp Việt Nam có được những lợi thế riêng, hấp dẫn doanh nghiệp đầu tư bất động sản trong và ngoài nước so với một số quốc gia trong khu vực. Đáng chú ý là lợi thế về việc thu hút nguồn vốn cho ngành du lịch và phân khúc đầu tư bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.
Điển hình như dự án Quảng trường biển và tổ hợp đô thị du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp biển Sầm Sơn do Tập đoàn Sun Group làm chủ đầu tư.
Đây là một trong những "siêu dự án" đầu tư vào Thanh Hóa với tổng vốn lên đến gần 25.000 tỷ đồng. Dự án được kỳ vọng góp phần đưa Sầm Sơn trở thành một trong những trung tâm du lịch chất lượng cao của khu vực./.