Phẫu thuật khối u gây tắc hoàn toàn phế quản gốc và phần lớn khí quản

Các bác sỹ xác định việc phẫu thuật cho bệnh nhân phải theo quy trình kỹ thuật tạo hình khí phế quản ở mức độ khó tương đương với kỹ thuật ghép phổi - một kỹ thuật khó nhất trong kỹ thuật ghép tạng.
Phẫu thuật khối u gây tắc hoàn toàn phế quản gốc và phần lớn khí quản ảnh 1Các bác sỹ Bệnh viện Phổi Trung ương tiến hành ca phẫu thuật. (Nguồn: Bệnh viện Phổi Trung ương)

Sáng 2/11, Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết vừa phẫu thuật thành công cho bệnh nhân nữ (45 tuổi, quê ở Quảng Ninh) có khối u gây tắc hoàn toàn phế quản gốc và phần lớn khí quản.

Đây là ca phẫu thuật hiếm gặp tại Việt Nam cũng như trên thế giới, được các chuyên gia đầu ngành của Bệnh viện Phổi Trung ương và Bệnh viện E thực hiện.

Kết quả xét nghiệm và chụp cộng hưởng từ cho thấy khối u phổi-phế quản của bệnh nhân ở vị trí giải phẫu phức tạp, khó tiếp cận nên các phương pháp hóa trị, xạ trị sẽ không đáp ứng và hiệu quả không cao.

[Phẫu thuật cắt bỏ khối tổn thương gây ra động kinh cho nữ bệnh nhân]

Các bác sỹ xác định việc phẫu thuật cho bệnh nhân phải theo quy trình kỹ thuật tạo hình khí phế quản ở mức độ khó tương đương với kỹ thuật ghép phổi - một kỹ thuật khó nhất trong những kỹ thuật ghép tạng.

Ca mổ kéo dài trong 8 giờ đã thành công tốt đẹp, khối u bị loại bỏ hoàn toàn.

Các bác sỹ đã tạo hình khí quản, phế quản cho bệnh nhân. Hiện bệnh nhân đã tỉnh, các chỉ số hô hấp ổn định.

Đánh giá về ca mổ, Tiến sỹ Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, cho biết sự phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên gia hàng đầu về phẫu thuật lồng ngực, gây mê hồi sức; chuyên gia tuần hoàn ngoài cơ thể đã đem đến sự thành công cho một ca phẫu thuật rất nặng và khó khăn.

Sự thành công của ca mổ là do áp dụng nhiều kỹ thuật cao nhất trong mổ như sử dụng hệ thống tim phổi máy tuần hoàn ngoài cơ thể, kỹ thuật tạo hình khí phế quản...

“Độ phức tạp của ca phẫu thuật thể hiện ở việc khối u lớn chén ép gần như toàn bộ hệ thống khí quản, phế quản, xung quanh khối u là rất nhiều mạch máu quan trọng. Việc cắt bỏ được khối u đồng thời bảo tồn để tạo hình được khí quản, phế quản đòi hỏi kỹ thuật cao, tay nghề điêu luyện, có chuyên môn và sự hiểu biết sâu sắc trong lĩnh vực phẫu thuật lồng ngực và bệnh học hô hấp,” Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương chia sẻ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục