Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Đến năm 2030, Bình Thuận trở thành tỉnh phát triển nhanh và bền vững; có mức thu nhập bình quân đầu người cao hơn bình quân cả nước; là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển quốc gia, quốc tế.

Biểu tượng trái thanh long tại vòng xoay đường Hùng Vương, đường Tôn Đức Thắng, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)
Biểu tượng trái thanh long tại vòng xoay đường Hùng Vương, đường Tôn Đức Thắng, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1701/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phát triển 3 trụ cột: công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp

Mục tiêu đến năm 2030, Bình Thuận không ngừng nâng cao đời sống và phúc lợi xã hội cho người dân, hướng tới phát triển bền vững bao trùm, đảm bảo mọi người dân dễ dàng tiếp cận các cơ hội phát triển và thụ hưởng những thành quả của quá trình phát triển.

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Huy động và sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực để phát triển toàn diện trên cơ sở tạo lập một hệ sinh thái phát triển hiện đại và bền vững.

Bình Thuận phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy tăng trưởng xanh, hình thành nền kinh tế ít chất thải, trọng tâm là phát triển 3 trụ cột: Công nghiệp, với nòng cốt là công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao được tổ chức thành các cụm liên kết ngành; Dịch vụ, với các loại hình dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí, thể thao biển; dịch vụ đào tạo và nghiên cứu triển khai ứng dụng khoa học công nghệ; dịch vụ logistics; Nông nghiệp, với trọng tâm là nông nghiệp sinh thái, ứng dụng công nghệ cao với những chuỗi sản xuất nông-công nghiệp chế biến.

Đến năm 2030, Bình Thuận trở thành tỉnh phát triển năng động, nhanh và bền vững; mạnh, giàu từ biển, có mức thu nhập bình quân đầu người (GRDP) cao hơn mức bình quân của vùng và cả nước; là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển tầm quốc gia, quốc tế; một trong những trung tâm Năng lượng Xanh của cả nước, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; hướng tới hình thành một trong những trung tâm đào tạo và phát triển công nghệ của vùng và quốc gia.

Quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc; các tổ chức đảng, hệ thống chính trị vững mạnh; khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường.

Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 8%

Về kinh tế, Bình Thuận phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt 7,5-8%, trong đó: Công nghiệp-xây dựng tăng 11-12%/năm (Công nghiệp tăng 12-13%/năm, xây dựng tăng 10-11%/năm); dịch vụ tăng 7-7,5%/năm; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,5-3%/năm.

Cơ cấu kinh tế: Ngành công nghiệp-xây dựng chiếm khoảng 44-48%; ngành dịch vụ chiếm 31-34%; ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 15-16% và thuế sản phẩm 5-6% trong GRDP của tỉnh. GRDP bình quân/người đạt khoảng 7.800-8.000 USD.

Về xã hội, Bình Thuận phấn đấu thu nhập bình quân đầu người năm 2030 tăng gấp 2,7-3,5 lần so với năm 2020; giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 0,4-0,6%/năm (theo chuẩn nghèo từng thời kỳ).

Cơ cấu lao động: Tỷ trọng lao động trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 29,4%; công nghiệp-xây dựng 30,8%; dịch vụ 39,7%.

ttxvn-tinh-binh-thuan-1-3682.jpg
Hoàn thiện dự án tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông qua địa bàn tỉnh Bình Thuận. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)

Đến năm 2050, Bình Thuận trở thành cực phát triển quan trọng của khu vực duyên hải Trung Bộ có kinh tế biển phát triển mạnh, bền vững, cơ cấu kinh tế hiện đại; là trung tâm năng lượng sạch, trung tâm cung cấp dịch vụ du lịch quốc gia và quốc tế, y tế, giáo dục chất lượng cao; trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của vùng và quốc gia gắn với các đô thị biển hiện đại.

Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đạt mức cao so với vùng và cả nước. Quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được đảm bảo vững chắc.

Theo phương hướng phát triển, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phát triển mạnh. Trong đó, đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm nông, lâm, thủy hải sản có lợi thế của tỉnh để nâng cao giá trị gia tăng; tạo điều kiện, triển khai thực hiện tốt các chính sách ưu đãi đầu tư để thu hút các dự án sản xuất các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, các thiết bị điện, linh kiện điện tử, lắp ráp máy móc, ôtô, xe máy, công nghiệp phụ trợ cho ngành năng lượng tái tạo, năng lượng mới.

Phát triển công nghiệp sản xuất điện, sớm trở thành trung tâm năng lượng của quốc gia, nhằm đảm bảo nguồn cung ổn định, đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng, điện cho phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh; ưu tiên phát triển các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch như điện gió, nhất là điện gió ngoài khơi và hydrogen, điện mặt trời, điện khí LNG; nghiên cứu khai thác tối đa tiềm năng thủy điện trên các hồ thủy lợi, các hồ chứa nước, thủy điện tích năng; rà soát, điều chỉnh diện tích, quy mô quy hoạch điện gió trên bờ theo quy định hiện hành và phù hợp tình hình thực tiễn của từng khu vực, đảm bảo không gian cho các ngành, lĩnh vực khác có lợi thế phát huy, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Xây dựng, chuyển giao, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hình thành các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, có sức cạnh tranh cao, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, phát triển nền sản xuất nông nghiệp hữu cơ, xanh, sinh thái, tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính; phát triển các vùng chuyên canh gắn với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; xây dựng và phát triển các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các khu vực, địa bàn có tiềm năng, lợi thế về vùng nguyên liệu, thị trường và kết cấu hạ tầng để nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm.

Xây dựng Bình Thuận trở thành Trung tâm Du lịch-Thể thao biển mang tầm quốc tế

Ưu tiên đầu tư mọi nguồn lực, phát triển du lịch Bình Thuận trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, xây dựng Bình Thuận trở thành Trung tâm Du lịch-Thể thao biển mang tầm quốc gia, quốc tế.

Giữ vững hình ảnh du lịch Bình Thuận "An toàn-thân thiện-chất lượng," với hạt nhân là Khu Du lịch quốc gia Mũi Né trở thành điểm đến du lịch xanh và thông minh (một trong những điểm đến hàng đầu khu vực châu Á-Thái Bình Dương).

ttxvn-tha-dieu-9535.jpg
Lễ hội thả diều được tổ chức trên bãi biển tại thành phố Phan Thiết (Bình Thuận). (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)

Phát triển, đa dạng hóa những sản phẩm du lịch chất lượng cao dựa trên thế mạnh về biển. Thu hút đầu tư các dự án tổ hợp du lịch, khu nghỉ dưỡng cao cấp gắn với dịch vụ vui chơi, giải trí, thương mại, dịch vụ, thể thao, casino.

Hình thành và phát triển một số Trung tâm hội nghị, hội thảo, triển lãm, mua sắm, giải trí quy mô lớn, hiện đại tại khu du lịch quốc gia Mũi Né và các Khu du lịch trọng điểm tiềm năng của tỉnh.

Hình thành liên kết phát triển du lịch theo chiều dọc (hướng Bắc-Nam) gắn với tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam, QL1A và cao tốc Bắc-Nam phía Đông.

Liên kết phát triển du lịch theo chiều ngang (hướng Đông-Tây) nối các khu du lịch với các tỉnh Tây Nguyên, các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan. Liên kết các tuyến du lịch với các địa phương trong vùng, liên vùng và cả nước; đẩy mạnh phát triển các tuyến du lịch quốc tế.

Bình Thuận phát triển dịch vụ vận tải và logistics bằng đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không, trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.

Phát triển mạnh dịch vụ cảng biển gắn với các khu kinh tế, khu công nghiệp để thúc đẩy các hoạt động chế biến, xuất khẩu các mặt hàng nông, thủy sản, khoáng sản…; thu hút đầu tư các bến cảng phục vụ phát triển du lịch. Xây dựng Bình Thuận trở thành một trong những trung tâm logistics của khu vực Nam Trung Bộ và Nam Tây Nguyên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục