Phiên họp thứ 36: Bước chuẩn bị để đảm bảo chất lượng, hiệu quả cho Kỳ họp thứ 8

Tại Phiên họp thứ 36, các đại biểu tập trung phát biểu, thảo luận đi thẳng vào vấn đề, các nội dung quan trọng. Đây là bước chuẩn bị từ sớm để đảm bảo chất lượng, hiệu quả cho Kỳ họp thứ 8.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu bế mạc phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu bế mạc phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Với việc xem xét, cho ý kiến và quyết định 14 nội dung, đồng thời tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc Phiên họp thứ 36 vào chiều 23/8.

Góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước

Trong 4,5 ngày làm việc, lần đầu tiên trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành 1,5 ngày triển khai hoạt động “giám sát lại” với việc tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn.

Mục đích của hoạt động này là đánh giá toàn diện việc thực hiện của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đối với các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết năm 2023.

Các đại biểu Quốc hội đã tiến hành chất vấn hai nhóm vấn đề liên quan đến 9 lĩnh vực, trong đó, nhóm vấn đề thứ nhất liên quan đến lĩnh vực Công Thương; Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Văn hóa, thể thao và du lịch. Nhóm vấn đề thứ 2 liên quan đến lĩnh vực Tư pháp; Nội vụ; An ninh, trật tự, an toàn xã hội; Thanh tra; Tòa án; Kiểm sát.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết trên cơ sở kết quả của phiên chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết về chất vấn với những yêu cầu cụ thể đối với từng nội dung, nêu rõ thời gian thực hiện, hoàn thành.

TTXVN_2308Quochoi4.jpg
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu bế mạc phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Cũng tại Phiên họp thứ 36, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét báo cáo của Đoàn giám sát và quyết định thông qua Nghị quyết giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023;” xem xét Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 7/2024.

Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo kế hoạch giám sát, đề cương báo cáo giám sát về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.”

Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Tại Phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết quy định một số nội dung liên quan đến các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị, tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 để thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính là đô thị giai đoạn 2023-2025.

Mục đích việc ban hành Nghị quyết để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các địa phương trong việc hoàn thành việc lập, điều chỉnh các quy hoạch đô thị có liên quan để làm cơ sở cho việc rà soát, đánh giá chất lượng đô thị đối với các đơn vị hành chính đô thị dự kiến hình thành sau sắp xếp, từ đó hoàn thành việc xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của địa phương để bảo đảm tiến độ cơ bản hoàn thành trong tháng 9/2024 theo đúng Nghị quyết số 142/2024/QH15 của Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết với việc ban hành Nghị quyết, số lượng các đơn vị hành chính đô thị đủ điều kiện thực hiện sắp xếp dự kiến khoảng hơn 30 thị trấn, 8 phường và 1 thành phố.

Việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính đô thị trong giai đoạn 2019 - 2021 đã bộc lộ một số nội dung bất cập. Do đó, việc thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2023-2030 thực hiện nghiêm túc yêu cầu đánh giá phân loại đô thị, làm cơ sở cho sắp xếp.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ đây là việc làm hết sức quan trọng. Chủ trương của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là có thể làm việc ngoài giờ để kịp thời thông qua các nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính, chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng.

TTXVN_2308Quochoi2.jpg
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Nhằm đáp ứng yêu cầu về sự cần thiết nhằm bảo đảm an toàn cho sức khỏe, tính mạng cho người dân, đặc biệt là trẻ em, tại Phiên họp này, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung dự toán chi sự nghiệp y tế, dân số và gia đình năm 2024 của Bộ Y tế để thực hiện hoạt động tiêm chủng mở rộng; kinh phí thực hiện hoạt động bồi thường trường hợp tai biến do tiêm vaccine năm 2024.

Việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước để mua vaccine thực hiện tiêm chủng mở rộng là cần thiết, vì hiện nay đang phát sinh một số loại dịch bệnh.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất bổ sung dự toán chi sự nghiệp y tế, dân số và gia đình năm 2024 cho Bộ Y tế hơn 424,5 tỷ đồng để thực hiện hoạt động tiêm chủng mở rộng theo Tờ trình của Chính phủ.

Bảo đảm tính khả thi, coi trọng chất lượng

Về công tác lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu đối với 2 dự án Luật: Luật Điện lực (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng không nhân dân.Đáng chú ý, khi cho ý kiến đối với Luật Điện lực (sửa đổi), đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều thống nhất, việc sửa đổi Luật cần bám sát Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh về đề nghị của Chính phủ trình Quốc hội trong xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi) với 6 chính sách lớn, bởi đây là những chính sách tác động tới người dân, liên quan đến nhiều đối tượng.

Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị nghiên cứu, bổ sung các quy định cụ thể về việc đảm bảo cơ cấu giá điện ổn định; quy định nguyên tắc, lộ trình rõ ràng về cải cách giá điện như xóa bỏ bù chéo giữa các nhóm khách hàng, thực hiện giá điện hai thành phần, giá điện cho khuyến khích sử dụng tiết kiệm điện, giá điện nhập khẩu, xuất khẩu... để tạo tín hiệu tốt, thu hút đầu tư vào ngành điện. Đồng thời, cần quy định rõ trách nhiệm của từng cơ quan quản lý nhà nước đối với lĩnh vực giá điện...

Đặc biệt, Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đưa ra định hướng không thực hiện bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng miền.

Về xác định nguyên tắc định giá điện, nhấn mạnh đây là nội dung quan trọng của dự án Luật, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý cần xây dựng nguyên tắc định giá nhất quán, giá điện phải bảo đảm bù đắp toàn bộ chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế, hợp lý, hợp lệ và có lợi nhuận cho các đơn vị điện lực, cũng như phù hợp với mặt bằng thị trường trong quá trình sản xuất, kinh doanh điện.

"Nếu giá điện bù đắp đúng, đủ toàn bộ chi phí sản xuất, kinh doanh điện và có lợi nhuận cho đơn vị điện lực thì phải được xác định là nguyên tắc xuyên suốt, bao trùm của giá điện. Khi giá đã phản ánh đúng, đủ chi phí điện bán cho các nhóm khách hàng thì tự nó cũng sẽ hình thành cơ cấu biểu giá bán lẻ điện hợp lý theo chi phí," Chủ tịch Quốc hội nói.

Một nội dung khác đáng chú ý là tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Theo đó, các đại biểu nhất trí bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế vào Chương trình Kỳ họp thứ 8 để xem xét, thông qua theo quy trình tại 1 kỳ họp với phạm vi đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất.

Việc xây dựng luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật này nhằm tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và tăng cường sự lãnh đạo, quản lý của Nhà nước về công tác bảo hiểm y tế. Đồng thời, khắc phục hạn chế, vướng mắc, bất cập của Luật Bảo hiểm y tế hiện hành và đáp ứng yêu cầu thực tiễn khách quan trong tình hình mới.

TTXVN_2308Quochoi3.jpg
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu bế mạc phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Hồ sơ đề nghị xây dựng luật đã được Chính phủ xem xét, cho ý kiến với 4 chính sách: điều chỉnh đối tượng tham gia bảo hiểm y tế đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan; điều chỉnh phạm vi quyền lợi bảo hiểm y tế phù hợp với mức đóng, cân đối quỹ Bảo hiểm y tế và yêu cầu chăm sóc sức khỏe trong từng giai đoạn; điều chỉnh các quy định về bảo hiểm y tế có liên quan theo cấp chuyên môn kỹ thuật khám, chữa bệnh và phát huy vai trò của y tế cơ sở trong chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; phân bổ sử dụng quỹ bảo hiểm y tế hiệu quả.

Như vậy, tại Kỳ họp thứ 8 dự kiến sẽ thông qua 13 dự án luật, trong đó có 2 dự án luật thông qua theo quy trình một kỳ họp là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sỹ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; cho ý kiến 13 dự án luật khác…

Có thể thấy khối lượng các dự án luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 dự kiến vào tháng 10 là rất lớn.

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn quán triệt tinh thần: Với những dự án luật đã được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, các cơ quan soạn thảo phải chuẩn bị rất kỹ; cơ quan thẩm tra thẩm tra đúng quy trình, đúng quy định.

Những vấn đề nào đã chín, đã rõ thì đưa vào Luật, còn những vấn đề chưa chín, chưa rõ, chưa được thực tế kiểm nghiệm chứng minh thì tiếp tục nghiên cứu. Không phải vì thời gian gấp mà bỏ qua các công đoạn theo quy trình của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tại Phiên họp thứ 36, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét các nội dung khác theo thẩm quyền.

Với khối lượng công việc của phiên họp lớn, nhiều nội dung khó, phức tạp, yêu cầu cao, các thành viên tham dự Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung phát biểu, thảo luận đi thẳng vào vấn đề; tập trung trao đổi về các nội dung quan trọng, còn ý kiến khác nhau, bảo đảm tiến độ, chất lượng của phiên họp.

Đây cũng là một bước chuẩn bị “từ sớm, từ xa” để đảm bảo chất lượng, hiệu quả cho Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục