Sáng 4/7, Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức phiên họp toàn thể để đánh giá kết quả hoạt động sáu tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ sáu tháng cuối năm và thảo luận về dự thảo Đề án liên thông các thủ tục công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và thuế.
Đánh giá kết quả hoạt động của Hội đồng trong sáu tháng đầu năm do Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính - Bộ Tư pháp Ngô Hải Phan trình bày cho thấy các thành viên Hội đồng, thành viên Ban công tác và Cục Kiểm soát thủ tục hành chính - cơ quan giúp việc của Hội đồng đã huy động nguồn lực sẵn có, chủ động triển khai công việc theo kế hoạch, đóng góp nhiều ý kiến có chất lượng về các quy định, thủ tục hành chính tại các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Từ cuối năm 2013 và những tháng đầu năm 2014, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các thành viên khác của Hội đồng đã tham gia ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về một số nhiệm vụ trọng tâm cải cách thủ tục hành chính trong hình thành và thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất để cải thiện môi trường kinh doanh (Nghị quyết số 43/NQ-CP) đây cũng chính là những ý kiến định hướng cho việc sửa đổi Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp và các luật khác.
Nghị quyết sẽ định hướng cho việc hoàn thiện các quy định về thủ tục hành chính tạo môi trường pháp lý cho hoạt động đầu tư minh bạch, thông thoáng, hiệu quả; đảm bảo việc thực hiện thủ tục hành chính hiệu lực, giảm chi phí tuân thủ thủ tục cho nhà đầu tư, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Với sự tham gia ý kiến của các thành viên Hội đồng, Bộ Tư pháp đã trình Chính phủ Đề án một cửa liên thông các thủ tục hành chính đăng ký khai sinh-đăng ký thường trú-đăng ký cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi với nhiều lợi ích rất lớn cho cả người dân và doanh nghiệp khi Đề án được triển khai, vừa giảm phiền hà, giảm gánh nặng chi phí, thời gian, vừa tạo bước chuyển căn bản trong quan hệ công tác và cách thức giải quyết công việc giữa các cơ quan nhà nước với người dân.
Việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của các cơ quan thành viên Hội đồng, thành viên Ban công tác về việc áp dụng hải quan điện tử đối với sản phẩm, hàng hóa ngành dệt may; quy định giao dịch bảo đảm trong lĩnh vực ngân hàng; thủ tục miễn thuế theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần đã được Cục Kiểm soát thủ tục hành chính phối hợp với các đơn vị có liên quan nghiên cứu, xử lý kịp thời.
Sáu tháng cuối năm, các thành viên, Ban công tác của Hội đồng sẽ tập trung nghiên cứu, đề xuất sáng kiến cải cách quy định hành chính đối với các lĩnh vực an toàn thực phẩm theo chuỗi sản phẩm nông sản; giải thể doanh nghiệp; đất đai cho doanh nghiệp và các mô hình thủ tục hành chính về bồi thường giải phóng mặt bằng; cấp sổ hộ nghèo và các thủ tục hành chính liên quan.
Các thành viên Hội đồng sẽ tiến hành đánh giá việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính tại các bộ, ngành, địa phương trên bốn lĩnh vực cấp sổ hộ nghèo, hải quan điện tử, thuế và quản lý chất thải.
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết 43/NQ-CP hướng tới bảo đảm thực thi các quy định của Luật Đất đai thống nhất trong toàn quốc, không để tình trạng Luật đến cửa làng là dừng lại, do vậy, nhiệm vụ của các thành viên Hội đồng là phải thực hiện tốt Nghị quyết này.
Cải cách thủ tục hành chính được coi là một trong những yếu tố quan trọng góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, các thành viên Hội đồng cần chủ động tham gia ý kiến đối với quy định về thủ tục hành chính trong các dự án luật, pháp lệnh, nhất là những dự án Luật liên quan đến việc triển khai thi hành Hiến pháp, trước mắt có 10 dự án, trong đó có những đạo luật quan trọng như Bộ luật dân sự sửa đổi, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật hợp nhất...
Tại phiên họp, thành viên Hội đồng đã đóng góp nhiều ý kiến vào dự thảo Đề án liên thông các thủ tục công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và thuế và dự thảo kế hoạch đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 43/NQ-CP.
Các ý kiến đều cho rằng liên thông ba thủ tục trên sẽ tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức trong thực hiện thủ tục liên quan tới các giao dịch về bất động sản, đồng thời gắn kết trách nhiệm trong giải quyết thủ tục hành chính giữa các cơ quan, tổ chức trong thực hiện chuỗi thủ tục liên quan tới quyền của cá nhân, tổ chức về đất đai, tài sản gắn liền với đất, đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công, giảm tải gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến còn băn khoăn đến vấn đề cơ chế và hành lang pháp lý khi giao cho tổ chức hành nghề công chứng làm đầu mối tiếp nhận hồ sơ, quy trình liên thông giải quyết thủ tục, phạm vi, lộ trình thực hiện, việc thu phí của tổ chức hành nghề công chứng khi thực hiện liên thông./.