Phó Thủ tướng: Cần có cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý tính toán kỹ quy mô phát triển điện mặt trời mái nhà trên cơ sở khoa học kỹ thuật, thiết bị công nghệ, hiệu quả kinh tế; bảo vệ lợi ích lâu dài của nhà đầu tư.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp về Dự thảo Nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp về Dự thảo Nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Sáng 10/4, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về dự thảo Nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà.

Phân cấp tối đa cho địa phương

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng nêu rõ điện mặt trời mái nhà là nguồn năng lượng tái tạo cần được ưu tiên, khuyến khích phát triển; huy động được nguồn lực của tổ chức, cá nhân, tận dụng mạng lưới truyền tải hiện hữu.

Vì vậy, Nghị định phải khắc phục những tồn tại, hạn chế, từ đó xác định đối tượng, tiêu chuẩn kỹ thuật và có cơ chế, chính sách khuyến khích cho từng đối tượng, phương thức vận hành (tự sản, tự tiêu, liên kết với hệ thống điện quốc gia, có thiết bị lưu trữ điện…); giải pháp công nghệ bảo đảm an toàn, ổn định của hệ thống điện nền khi đưa điện mặt trời mái nhà lên hệ thống điện.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của nguồn điện mặt trời mái nhà trong góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng đây là vấn đề cấp bách, giải pháp quan trọng nhằm huy động các nguồn lực xã hội thực hiện Quy hoạch Điện VIII. Vì vậy, cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư điện mặt trời mái nhà là chủ trương nhất quán.

Phó Thủ tướng nêu rõ điện mặt trời mái nhà, điện gió ngoài khơi, điện sinh khối, điện rác... (bao gồm cả các dự án xuất khẩu điện mà không đưa lên lưới quốc gia, sản xuất hydro xanh, tự sản, tự tiêu...) được ưu tiên phát triển trong điều kiện đáp ứng công nghệ, an toàn hệ thống, giá cả phù hợp. Phát triển điện mặt trời mái nhà là phương án sử dụng tiết kiệm, hiệu quả.

TTXVN_1004dienmattroi2.jpg
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu kết luận cuộc họp. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Từ cơ sở khoa học, thực tiễn, pháp lý, Nghị định cần xác định rõ nội hàm, mục tiêu, phạm vi đối tượng là tổ chức, cá nhân lắp đặt điện mặt trời mái nhà theo hình thức tự sản, tự tiêu, không kinh doanh và có kinh doanh; từ đó đưa ra các cơ chế chính sách khuyến khích, quy định an toàn, phòng cháy, chữa cháy tương ứng.

Cụ thể, đối với hộ dân, công sở, tòa nhà văn phòng... lắp đặt điện mặt trời mái nhà để tự sản, tự tiêu, không kinh doanh thì xây dựng những bộ hồ sơ mẫu, đơn giản hóa tối đa thủ tục, trừ công trình có yêu cầu đặc biệt về an toàn, phòng cháy, chữa cháy.

Những doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời mái nhà để sử dụng, đồng thời lắp đặt thêm thiết bị lưu trữ điện năng để kinh doanh, cần tính toán mức giá hợp lý, hỗ trợ về tài chính, lãi suất... và khuyến khích đầu tư.

Phó Thủ tướng lưu ý cần tính toán kỹ quy mô phát triển điện mặt trời mái nhà trên cơ sở khoa học kỹ thuật, thiết bị công nghệ, lưới truyền tải, hiệu quả kinh tế; bảo vệ lợi ích lâu dài của nhà đầu tư; chú trọng bảo vệ môi trường.

Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, đưa ra yêu cầu, điều kiện kỹ thuật, tiêu chí các nguồn điện mặt trời mái nhà cần kiểm soát chặt chẽ hơn, chính sách tài chính liên quan đến điện mặt trời mái nhà… trên tinh thần phân cấp tối đa cho địa phương.

Ba chính sách khuyến khích điện mặt trời mái nhà

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, điện mặt trời mái nhà được lắp đặt trên mái nhà dân, cơ quan công sở, khu công nghiệp... để sử dụng theo hình thức tự sản, tự tiêu; có thể liên kết hoặc không liên kết với hệ thống điện quốc gia; không kinh doanh, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác.

TTXVN_1004dienmattroi3.jpg
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết hiện có 3 chính sách khuyến khích điện mặt trời mái nhà gồm: Cho phép lắp đặt không cần theo Quy hoạch Điện VIII; các nguồn điện mặt trời mái nhà được liên kết và phát công suất dư thừa lên lưới điện quốc gia với mức giá theo thời điểm; hỗ trợ lãi suất khi đầu tư thiết bị lưu trữ điện.

Tại cuộc họp, ông Đỗ Văn Năm, thành viên Hội đồng thành viên Tổng Công ty Điện lực miền Bắc cho biết, hiện các doanh nghiệp trong khu công nghiệp rất cần khuyến khích về thủ tục, chính sách về điện mặt trời mái nhà.

Giải pháp được kiến nghị đối với các khu, cụm công nghiệp là cần thẩm tra xác định độ an toàn của công trình hiện hữu khi lắp đặt thêm điện mặt trời mái nhà; ban hành bộ hồ sơ mẫu với công trình lắp điện mặt trời mái nhà mới; phân cấp cho địa phương và quy định rõ thời gian giải quyết.

Đồng quan điểm, ông Bùi Quốc Hoan, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Nam cho rằng cần khuyến khích doanh nghiệp trong khu công nghiệp lắp đặt thiết bị lưu trữ nguồn điện mặt trời mái nhà không sử dụng hết để chuyển thành nguồn điện nền sạch, sau đó phát lên lưới điện vào cao điểm buổi tối với mức giá phù hợp.

Báo cáo về năng lực bảo đảm an toàn, ổn định của lưới điện quốc gia khi tăng công suất nguồn điện tái tạo, đại diện Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia cho biết, lưới điện có thể ổn định, an toàn khi lượng điện tái tạo chiếm 50% tổng công suất phụ tải.

Khả năng lưới điện ở miền Bắc có thể bảo đảm an toàn, ổn định khi công suất điện mặt trời mái nhà ở mức 5.000-7.000 MW, tương đương với đánh giá tiềm năng điện mặt trời mái nhà tại miền Bắc hiện nay.

Đại diện lãnh đạo các bộ, ngành cũng đã trao đổi các giải pháp cải cách, rút ngắn thủ tục hành chính về môi trường, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy… trong cấp phép lắp đặt điện mặt trời mái nhà; hỗ trợ lãi suất ưu đãi; tiêu chí xác định điện nền hình thành từ lưu trữ điện mặt trời mái nhà; thẩm quyền cấp tín chỉ xanh cho doanh nghiệp sử dụng điện mặt trời mái nhà trong sản xuất; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật kiểm soát, bảo đảm an toàn khi phát hoặc không phát nguồn điện dư lên lưới điện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục