Phó Thủ tướng: Tập trung lực lượng bảo vệ các điểm đê xung yếu của Thủ đô

Phó Thủ tướng Lê Thành Long yêu cầu các cấp, ngành của thành phố Hà Nội, huyện Chương Mỹ bố trí lực lượng canh gác khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, không để xảy ra sự việc đáng tiếc.

Đoàn công tác của Phó Thủ tướng Lê Thành Long thăm, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Đoàn công tác của Phó Thủ tướng Lê Thành Long thăm, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chiều 30/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cùng đoàn công tác đã đến kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai, hỗ trợ nhân dân vùng úng ngập tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội.

Sau khi kiểm tra thực tế tại địa bàn bị ngập úng nghiêm trọng nhất của huyện Chương Mỹ là các xã Nam Phương Tiến, Tân Tiến, nghe các đơn vị liên quan báo cáo và người dân phản ánh, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo của địa phương trong ứng phó mưa lũ lớn trên địa bàn.

Để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân vùng úng ngập trong những ngày tới, Phó Thủ tướng Lê Thành Long yêu cầu các cấp, ngành của thành phố Hà Nội, huyện Chương Mỹ thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Thành ủy Hà Nội; bố trí lực lượng canh gác khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, không để xảy ra sự việc đáng tiếc; đồng thời huy động các nguồn lực hỗ trợ, bảo đảm đời sống người dân, nhất là vùng úng ngập sâu, bị cô lập; tuyệt đối không để người dân bị đói, bị khát, bùng phát dịch bệnh.

Khi nước rút, huyện Chương Mỹ cần khẩn trương vệ sinh môi trường, khôi phục sản xuất…

Về lâu dài, Phó Thủ tướng yêu cầu huyện Chương Mỹ và thành phố Hà Nội khẩn trương nghiên cứu, đề xuất các giải pháp ứng phó, thích ứng lũ rừng ngang, mưa lớn bảo đảm tính khả thi, hiệu quả…

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu huyện Chương Mỹ tiếp tục tập trung phòng dịch, nước rút đến đâu vệ sinh môi trường đến đó; tập kết sẵn sàng thuốc, phun thuốc không để phát sinh dịch bệnh, sẵn sàng lực lượng gia cố đoạn đê bị sạt lở cũng như toàn tuyến đê; đồng thời đôn đốc các công ty thủy lợi bơm tiêu hết công suất.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh trước mắt, phải đảm bảo cung cấp đủ nhu yếu phẩm, nước sạch phục vụ nhân dân những thôn bị cô lập và toàn bộ người dân bị ảnh hưởng. Đặc biệt, công tác phòng dịch phải đi đầu và có giải pháp để hỗ trợ sản xuất cho bà con sau khi nước rút.

Báo cáo tình hình ngập úng của địa phương, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Chương Mỹ Đỗ Hoàng Anh Châu cho biết tính đến chiều 30/7, trên địa bàn huyện vẫn còn 24 thôn, xóm thuộc 13 xã, thị trấn bị úng ngập; trong đó có 1.491 hộ bị ngập sâu từ 0,5 đến 2m, 3.754 người phải đi sơ tán, 5.341 người cần hỗ trợ nhu yếu phẩm…

ttxvn_ngap lut chuong my 3.jpg
Quang cảnh ngập lụt tại Thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Để chủ động triển khai phương án và chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội về bảo đảm đời sống người dân, huyện Chương Mỹ đã huy động các nguồn lực hỗ trợ người dân vùng úng ngập 1.731 thùng mỳ tôm; 2.765 bình nước uống tinh khiết (loại 20 lít/bình); lắp đặt 14 téc nước sạch sinh hoạt; cấp 465 chai nước mắm; 100 lít dầu thắp sáng; 200 chai dung dịch vệ sinh; 1.000 gói thuốc nhỏ mắt, chống tiêu chảy, phòng ngứa chân tay và dung dịch khử khuẩn; 157 suất quà là tiền mặt…

Trao đổi với phóng viên TTXVN chiều tối 30/7, ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Nam Phương Tiến - nơi úng ngập nghiêm trọng nhất của huyện Chương Mỹ cho biết xã có 4 thôn bị ngập nặng, bắt đầu ngập từ ngày 24/7, đến nay nước đã rút được 10cm.

Nước từ sông Bùi và từ trên rừng chảy xuống, ngập mênh mông cả đường sá, khu dân cư, trung bình ngập khoảng 1,5m. Có 798 hộ dân trong xã bị ảnh hưởng, hộ ngập sâu nhất trên 2m, thấp nhất cũng 30-40cm. Hơn 600 hộ bị ngập nặng nhất và gia súc, gia cầm được di dời lên cao.

Theo thống kê ban đầu, ngập lụt đã gây thiệt hại 70ha lúa; 135ha thủy sản và hơn 10 ha rau màu; trên 20.000 con gia cầm trên địa bàn xã Nam Phương Tiến, còn lại chưa thống kê hết do nước vẫn ngập sâu.

Xã đảm bảo nhu yếu phẩm cần thiết và an toàn cho người dân; đảm bảo tình hình an ninh trật tự trong khu vực ngập lụt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục