Phóng sinh vào dịp Tết làm sao cho đúng để gặp nhiều may mắn

Vào dịp Tết nhiều người thường mua chim, cá, rùa để phóng sinh cầu mong gặp nhiều may mắn, tốt lành, thế nhưng do sự thiếu hiểu biết, việc phóng sinh đã gây ra những tác động xấu đến môi trường.
Phóng sinh vào dịp Tết làm sao cho đúng để gặp nhiều may mắn ảnh 1Phóng sinh rùa tai đỏ sẽ gây hại cho môi trường sống của các loài bản địa. (Nguồn ảnh: ENV cung cấp)

Vào dịp Tết, mùng 1 hay ngày Rằm, nhiều người thường mua chim, cá chép, rùa để thực hiện việc phóng sinh, cầu mong năm mới, tháng mới gặp nhiều may mắn, tốt lành.

Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn là, việc làm ý nghĩa này đang ngày càng mất đi nét đẹp vốn có, gây ra không ít hậu quả cho môi trường sống của các loài sinh vật và chính các loài những tưởng là sẽ được cứu vớt nhờ phóng sinh.

Hoạt động từ bi vô tình thành điều ác

Theo quan niệm của Phật giáo, phóng sinh là một hành động nhằm cứu các loài sinh vật khỏi bị giết hại hay giam nhốt và trao cho chúng cơ hội tiếp tục sống.

Phóng sinh thường được hiểu đơn giản là khi gặp một con vật bị nạn thì ra tay cứu thoát. Đặc biệt, vào dịp Tết, mùng 1 hay ngày Rằm, mọi người thường mua chim, cá, rùa để phóng sinh, cầu mong năm mới, tháng mới gặp nhiều may mắn, tốt lành.

Thế nhưng, do sự thiếu hiểu biết của con người, việc phóng sinh đã gây những tác động không tốt đối với môi trường sống trong vùng. Trong đó, phóng sinh bừa bãi chính là tác nhân phát tán của các loài ngoại lai, xâm nhập vào môi trường bản địa.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, nhiều người đã phóng sinh các loài cá chim, rùa tai đỏ - những loài có khả năng sinh sản nhanh, ăn tất cả các loài thủy sinh trong ao, làm phá hủy môi trường nước, đe dọa các loài đang sinh sống trong môi trường đó.

[Phóng sinh hơn 1,2 tấn cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản sông Lô]

Ngoài ra, không ít loài đã chết sau khi được phóng sinh. Điển hình là, những con chim trời đang tự do bay lượn thì bị người ta bẫy và bán cho những người đi phóng sinh. Vòng luẩn quẩn bắt rồi thả rồi lại bị bắt khiến những chú chim tội nghiệp chết dần chết mòn và không còn có thể cất cánh bay cao được nữa.

Nhiều loài rùa như rùa núi viền, rùa núi vàng thường bị phóng sinh xuống ao chùa, nhưng trên thực tế chúng cũng không thể sống hoặc ở lâu trong môi trường nước. Hầu hết chúng sẽ chết sau vài ngày hoặc một tuần sau khi được thả xuống ao.

Đặc biệt, việc mua động vật hoang dã để phóng sinh đã vô tình tiếp tay cho hoạt động buôn bán, nuôi nhốt động vật hoang dã, tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học cũng như những nỗ lực của các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội trong công tác bảo vệ động vật hoang dã nói chung.

Phóng sinh vào dịp Tết làm sao cho đúng để gặp nhiều may mắn ảnh 2Nhiều loài chim bị nuôi nhốt, buôn bán phục vụ cho việc phóng sinh. (Nguồn ảnh: ENV cung cấp)

Phóng sinh như thế nào mới đúng?

Theo nghiên cứu của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên, việc phóng sinh trước hết không nên quá hình thức mà nên được làm một cách tùy duyên, ngay trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người.

Theo đó, khi gặp một con vật bị nạn, mình ra tay cứu thoát. Cứu chúng sinh trong thời điểm này mới thực là ý nghĩa nguyên bản của việc phóng sinh.

Tuy nhiên, để việc phóng sinh thực sự có ý nghĩa, người phóng sinh cần phải tìm hiểu rõ môi trường sống của các loài vật để có thể đưa chúng đến nơi phù hợp và an toàn, tạo cơ hội sống sót cho các loài sinh vật được phóng sinh.

Khi gặp khó khăn, có thể liên hệ các cơ quan chuyên môn để có cách phóng sinh, cứu giúp các loài sinh vật đúng đắn và phù hợp nhất, tránh phóng sinh vội vàng, bừa bãi.

Bà Nguyễn Thị Phương Dung, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên cho rằng, phóng sinh vốn là nét đẹp trong văn hóa người Việt, có ý nghĩa nhân sinh và góp phần giáo dục con người bảo vệ thiên nhiên. Tuy nhiên, việc phóng sinh bừa bãi không có hiểu biết chính là nguy cơ đe dọa sự sống cho các loài động vật hoang dã.

“Nếu muốn bảo vệ động vật hoang dã thì cách tốt nhất là để chúng được sống trong môi trường tự nhiên và đảm bảo chúng không bị săn bắt…,” bà Dung nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục