Phong trào M5-REP đề xuất quá trình chuyển tiếp 2 năm ở Mali

Vấn đề chuyển tiếp ở Mali hiện là trọng tâm của các cuộc đàm phán giữa lực lượng quân đội làm đảo chính, phe đối lập và Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS).
Phong trào M5-REP đề xuất quá trình chuyển tiếp 2 năm ở Mali ảnh 1Đại tá quân đội Mali Assimi Goita (giữa, trái), tự xưng là 'Chủ tịch Ủy ban cứu quốc của nhân dân' (CSNP), trong cuộc họp báo tại Bamako sau cuộc binh biến, ngày 19/8/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 30/8, Phong trào đối lập tháng 5 (M5-RFP) ở Mali đã có buổi làm việc với các sỹ quan quân đội thuộc nhóm tự xưng Ủy ban quốc gia bảo vệ người dân (CNSP) hiện nắm quyền lãnh đạo sau cuộc đảo chính ở nước này ngày 18/8 vừa qua.

Tại cuộc làm việc ở căn cứ quân sự Kati, gần thủ đô Bamako, để thảo luận vấn đề chuyển giao quyền lực sau cuộc đảo chính, M5-RFP đã đề xuất thời hạn chuyển tiếp dân sự kéo dài từ 18-24 tháng, đồng thời đề nghị thành lập các cơ quan chuyển tiếp do dân sự lãnh đạo và một ủy ban giám sát hỗn hợp với đa số đại diện là dân sự chịu trách nhiệm theo dõi cải cách quy trình bầu cử.

Một thủ lĩnh phe đối lập, ông Choguel Maiga cho biết hiện M5-RFP và các sỹ quan quân đội chưa đạt được bất kỳ thống nhất nào về vấn đề trên. Hai bên sẽ tiếp tục làm việc thời gian tới.

[Mali: Lực lượng quân sự hoãn cuộc họp về chuyển giao quyền lực]

Vấn đề chuyển tiếp ở Mali hiện là trọng tâm của các cuộc đàm phán giữa lực lượng quân đội làm đảo chính, phe đối lập và Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS). 

Trước đó, ECOWAS đã trừng phạt Mali và yêu cầu lập lại trật tự Hiến pháp. Kết thúc hội nghị thượng đỉnh bất thường về Mali hôm 28/8, ECOWAS đã yêu cầu CNSP bắt đầu quá trình chuyển đổi dân sự ngay lập tức, theo đó tổ chức bầu cử trong vòng 12 tháng và nhanh chóng thành lập chính phủ để ứng phó với những thách thức hiện nay ở, đổi lấy việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt.

Đặc phái viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc và Trưởng Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Mali (MINUSMA) Saleh Annadif cho biết phái bộ này rất ủng hộ ECOWAS về đề xuất giúp Mali nhanh chóng thoát khỏi khủng hoảng.

Ngày 30/8, Pháp lên tiếng kêu gọi tiến hành quá trình chuyển tiếp nhanh chóng ở Mali. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly nêu rõ: "Quá trình chuyển tiếp phải được thực hiện nhanh chóng."

Tình hình Mali bắt đầu trở nên căng thẳng từ đầu tháng Bảy vừa qua khi M5-RFP tổ chức biểu tình diện rộng yêu cầu Tổng thống Keita từ chức, coi đây là điều kiện tiên quyết cho mọi cuộc thương lượng giải quyết các khác biệt chính trị trong tương lai.

Ngày 18/8, nhóm binh sỹ tự xung CNSP đã nổi loạn bên ngoài thủ đô Bamako, bắt giữ Tổng thống Keita và Thủ tướng Boubou Cisse cùng một số thành viên trong chính phủ. Chỉ vài giờ sau khi bị các binh sỹ bắt giữ, Tổng thống Keita đã tuyên bố từ chức và giải tán Quốc hội.

CNSP tuyên bố nắm quyền lãnh đạo Mali và sẽ tiến hành tổng tuyển cử trong thời gian tới. Phong trào M5-RFP đã phủ nhận bất kỳ mối liên hệ nào với nhóm tiến hành binh biến này.

Các tổ chức trong khu vực và thế giới cùng nhiều nước đã lên án cuộc binh biến tại Mali và yêu cầu trả tự do cho những lãnh đạo bị bắt giữ.

Ngày 27/8, CNSP thông báo cựu Tổng thống Keita đã được trả tự do./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục