Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) đã nhất trí cho rằng chính phủ chuyển tiếp Mali cần phải do lực lượng dân sự lãnh đạo và thời gian lãnh đạo đất nước không kéo dài quá 12 tháng.
ECOWAS đưa ra tuyên bố trên sau hội nghị thượng đỉnh bất thường về Mali diễn ra ngày 28/8.
Lãnh đạo các nước Tây Phi đã tổ chức hội nghị trực tuyến trên thảo luận về tương lai của Mali cũng như liệu có dỡ bỏ lệnh trừng phạt quốc gia Tây Phi này hay không sau vụ đảo chính lật đổ Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita hồi tuần trước.
Tại hội nghị trên, ECOWAS duy trì quan điểm cứng rắn đối với Mali do lo ngại bất ổn kéo dài trong nước và nguy cơ làm suy yếu cuộc chiến chống các phiến quân Hồi giáo cực đoan tại nước này cũng như khu vực Sahel.
Tổng thống Niger Mahamadou Issoufou với vai trò Chủ tịch luân phiên của ECOWAS nhấn mạnh: “Chủ nghĩa nổi dậy là một căn bệnh trầm kha và chỉ có một phương thuốc duy nhất là trừng phạt mới có thể chữa trị được bệnh này.”
Ngày 18/8 vừa qua, một nhóm binh sỹ quân đội đã nổi loạn bên ngoài thủ đô Bamako, bắt giữ Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita và Thủ tướng Boubou Cisse cùng một số thành viên trong chính phủ.
Chỉ vài giờ sau khi bị các binh sỹ bắt giữ, Tổng thống Keita tuyên bố từ chức và giải tán quốc hội.
Ngày 27/8, giới lãnh đạo quân sự mới của Mali tuyên bố cựu Tổng thống Keita đã được trả tự do.
[Lực lượng đảo chính Mali tuyên bố trả tự do cho cựu Tổng thống Keita]
Cuộc đảo chính đã gây ra làn sóng chấn động các nước láng giềng của Mali, cũng như tâm lý lo ngại về nguy cơ rơi vào hỗn loạn tại một trong những quốc gia bất ổn nhất khu vực.
Các nước thành viên ECOWAS đã cử một phái đoàn cấp cao đến thủ đô Bamako hôm 22/8 nhằm nỗ lực thúc đẩy khôi phục chế độ dân sự sau đảo chính.
ECOWAS đã đình chỉ tư cách thành viên, đóng cửa biên giới, ngừng giao dịch thương mại và ngăn chặn các dòng tài chính từ các nước trong khối đến Mali.
Ngày 24/8, đàm phán giữa phái đoàn của ECOWAS và chính quyền quân sự của Mali đã kết thúc sau 3 ngày mà không đạt được bất cứ thoả thuận nào về việc khôi phục chế độ dân sự tại nước này.
Nhiều nước phương Tây đã lên án cuộc đảo chính tại Mali, trong khi Mỹ đã đình chỉ viện trợ quân sự, bao gồm không đào tạo và hỗ trợ cho lực lượng quân sự tại Mali./.