'Phòng vệ thương mại không làm mất cơ hội tiếp cận hàng giá rẻ'

Theo Vụ trưởng Vụ châu Âu, châu Mỹ - Bộ Công Thương, có cả doanh nghiệp lớn nhưng khi mở rộng đầu tư và xuất khẩu cũng vướng phải nhiều quy định của nước chủ nhà.
'Phòng vệ thương mại không làm mất cơ hội tiếp cận hàng giá rẻ' ảnh 1Bộ trưởng Trần Tuấn Anh làm việc với các đơn vị về Công tác phòng vệ thương mại. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, biện pháp phòng vệ thương mại là cần thiết để bảo vệ hàng trong nước, công khai, minh bạch, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, phù hợp với các cam kết quốc tế.

Hơn nữa, việc sử dụng phòng vệ thương mại không làm mất cơ hội của người tiêu dùng được tiếp cận với hàng giá rẻ nhập khẩu cũng như phát sinh lợi ích nhóm mà là pháp luật yêu cầu và Bộ Công Thương phải hành động.

Đây là khẳng định của Thứ trưởng Trần Quốc Khánh tại buổi làm việc giữa lãnh đạo Bộ Công Thương với các đơn vị liên quan về công tác phòng vệ thương mại 7 tháng, diễn ra ngày 9/8, tại Hà Nội.

[Gia hạn thời gian điều tra chống bán phá giá với thép Trung Quốc]

Tần suất ngày càng cao

Điểm lại những nét bổi bật, ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục phòng vệ thương mại cho biết, hiện nay, Bộ Công Thương đang tiến hành xử lý 7 vụ việc phòng vệ thương mại (gồm 5 vụ việc chống bán phá giá, 2 vụ việc trợ cấp), khởi xướng điều tra với hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Ngoài ra, cơ quan này cũng đang tiếp tục xử lý 7 vụ việc khởi xướng từ năm 2018 và 4 vụ việc rà soát biện pháp Phòng vệ thương mại đã áp dụng, trong đó có những vụ việc có kim ngạch xuất khẩu lớn như cá tra, tôm.

Đáng chú ý, trong 7 vụ việc khởi xướng điều tra mới, thị trường Ấn Độ dẫn đầu với 4 vụ việc, Hoa Kỳ 2 vụ việc, Malaysia 1 vụ việc.

“Chỉ tính trong 7 tháng đầu năm nay, tần suất các vụ kiện phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vẫn duy trì ở mức độ cao, trung bình 1 vụ/ tháng,” ông Lê Triệu Dũng thông tin.

Mặc dù liên tục tuyên truyền, cập nhật các danh mục mặt hàng hóa có nguy cơ cao bị áp thuế tự vệ hoặc điều tra chống bán phá giá, song ông Dũng cũng băn khoăn về sự thiếu hợp tác của một số doanh nghiệp xuất khẩu và điều này theo ông có thể làm giảm hiệu quả của việc ứng phó với các vụ kiện của nước ngoài.

Đây không chỉ là tồn tại ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ, kinh nghiệm về thị trường nước ngoài ít. Tại cuộc họp, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ châu Âu, châu Mỹ cho biết, có cả doanh nghiệp lớn nhưng khi mở rộng đầu tư và xuất khẩu cũng vướng phải nhiều quy định của nước chủ nhà.

Do vậy, khi quy mô và số lượng xuất khẩu ngày càng tăng, theo ông, các biện pháp phòng vệ thương mại cũng hiện hữu lớn hơn.

Minh chứng từ thị trường như Canada, ông Linh cho rằng, nhiều hàng hóa của Việt Nam đang được hưởng mức thuế ưu đãi từ thị trường này cũng như được miễn trừ các biện pháp tự vệ, dù vậy thời gian tới khi mức tăng trưởng xuất khẩu cao, nếu không có các giải pháp để chủ động ứng phó thì nguy cơ bị áp dụng các biện pháp tự vệ sẽ tăng lên.

“Vụ đã yêu cầu thương vụ báo cáo, cập nhật các chính sách từ thị trường nhập khẩu của Việt Nam để xây dựng danh sách mặt hàng cảnh báo sớm, giảm nguy cơ rủi ro bị đưa vào diện điều tra của đối tác,” ông Tạ Hoàng Linh thông tin thêm.

- Xuất khẩu của Việt Nam vào một số thị trường trong 7 tháng đầu năm:

Cần sự phối hợp đồng bộ

Đưa thêm dẫn chứng thực tế, theo ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu, việc sử dụng các biện pháp phòng vệ  thương mại không chỉ bó hẹp ở việc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cập… mà còn mở rộng ra nhiều nội dung khác như chống lẩn tránh, áp thuế tự vệ… với diễn biến ngày càng phức tạp.

Đơn cử mặt hàng Đường, ông cho biết, Bộ Công Thương đã đề nghị Hiệp hội mía đường cung cấp thông tin, nhằm đưa ra các biện pháp phù hợp bảo vệ hàng sản xuất trong nước, đồng thời đảm bảo đúng quy định của các cam kết quốc tế.

Tuy nhiên, ông cũng đề nghị lãnh đạo Bộ Công Thương cần xác định hơn thẩm quyền của cơ quan phòng vệ thương mại trong việc điều tra, làm rõ các dấu hiệu liên quan đến vấn đề gian lận, lẩn tránh thuế.

Lý do là vì nhiều doanh nghiệp cho rằng họ chỉ có trách nhiệm cung cấp số liệu cho cơ quan công an, trong khi thực tế hiện nay, nếu doanh nghiệp không hợp tác cung cấp thông tin cho cơ quan phòng vệ thương mại thì việc triển khai các biện pháp tự vệ sẽ khó đạt hiệu quả.

Đồng tình với các ý kiến đưa ra, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, hiện quy mô xuất khẩu của Việt Nam đang đứng vị trí thứ 27 thế giới. Cùng với đó, độ mở kinh tế cũng rất lớn, do vậy sự biến động của thị trường quốc tế sẽ tác động mạnh mẽ đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Trước số lượng các vụ điều tra về phòng vệ thương mại ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp có thể cản trở hoạt động xuất khẩu bền vững của Việt Nam, Người đứng đầu Bộ Công Thương lưu ý các đơn vị chức năng đẩy mạnh sự phối hợp trong công tác tuyên truyền, giúp cộng đồng doanh nghiệp chủ động nắm bắt thông tin về hội nhập cũng như có hướng thích hợp để điều hành hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Nhấn mạnh đến việc dự báo các vấn đề nóng, nhất là các biện pháp phòng vệ thương mại, Bộ trưởng yêu cầu, Cục phòng vệ thương mại tăng cường hợp tác với các đối tác nhằm triển khai và thực thi có hiệu quả các cam kết quốc tế, hạn chế thấp nhất các biện pháp phòng vệ thương mại có thể xảy ra trong tương lai.

Lưu ý thêm về vấn đề gian lận xuất xứ và kiểm soát hàng hóa, Bộ trưởng  Trần Tuấn Anh lưu ý Tổng cục Quản lý thị trường thực hiện tốt nhiệm vụ chống hàng gian, hàng giả và lồng ghép có hiệu quả với Đề án về phòng vệ thương mại, chống gian lận xuất xứ từ đó bảo vệ lợi ích hàng sản xuất trong nước, người tiêu dùng một cách tốt nhất.

- Ông Lê Triệu Dũng nói về các hoạt động phòng vệ thương mại trong thời gian gần đây:

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục