Vào một chiều cuối tháng 4, phóng viên TTXVN tại Seoul đã có cuộc trao đổi thân tình với ông Ann Byong Chan, phóng viên của nhật báo Hankuk, người từng được cử sang miền Nam Việt Nam để thông tin về tình hình chiến sự và hoạt động của quân đội Hàn Quốc trong giai đoạn tham chiến tại miền Nam trước năm 1975.
Ông chính là nhà báo đã chụp được khoảnh khắc lịch sử - hạ quốc kỳ tại trụ sở Đại sứ quán Hàn Quốc ở Sài Gòn 2 ngày trước khi miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Cuộc gặp diễn ra trong thời tiết se lạnh với những cơn gió hút qua khe phố hẹp, tại Câu lạc bộ báo chí Kwanhun, nơi các nhà báo lão thành của Hàn Quốc thường đến đọc sách, nghiên cứu, nằm ngay trung tâm khu phố cổ Insadong vốn nổi tiếng với du khách trong và ngoài nước.
[Tự hào ký ức báo chí trong đêm kỷ niệm 48 năm ngày thống nhất]
Câu chuyện của hai nhà báo Hàn-Việt bắt đầu với những con phố, ẩm thực và con người Việt Nam. Câu chuyện cứ tự nhiên dẫn dắt ông Ann quay trở lại với ký ức về những con phố Sài Gòn xung quanh khu vực Chợ Bến Thành, đường Nguyễn Huệ, Nhà thờ Đức Bà, Dinh Độc lập…
Ông Ann Byong Chan mang ra những cuốn sách ông đã xuất bản liên quan đến thời khắc lịch sử 30/4, những hình ảnh Sài Gòn trước khi quân Giải phóng tiến vào.
Cho dù thời gian đã trôi qua gần 50 năm, song nhà báo Ann vẫn nhớ các sự kiện rất chính xác mặc dù ông luôn sợ mình kém minh mẫn.
Dừng lại ở bức ảnh chụp sự kiện hạ cờ của Đại sứ quán Hàn Quốc ở miền Nam Việt Nam chiều 28/4/1975, ông Ann kể lại những ngày cuối tháng 4 lịch sử đó, tình hình Sài Gòn rất hỗn độn, những con phố dường như vắng vẻ trong khi bầu trời thì vần vũ với tiếng trực thăng.
Các nhân viên sứ quán Hàn Quốc đã nhiều lần nhắc ông ngay lập tức rời khỏi Sài Gòn nhưng ông cứ nấn ná không đi.
Chiều hôm đó, ông vào Đại sứ quán đúng lúc tham tán chính trị và một nhân viên khác đang hạ quốc kỳ trên cột cờ chính. Theo bản năng, ông chạy tới để chụp khoảnh khắc đó. Một nữ nhân viên sứ quán chạy phía sau và liên tục nhắc ông rời đi ngay lập tức vì tình hình rất nguy cấp.
Ông Ann cho biết là nhà báo mình chỉ toàn chụp ảnh chứ mấy khi có ảnh đang tác nghiệp đâu, tuy nhiên đây là tấm ảnh cực kỳ hy hữu và đi vào lịch sử với cá nhân ông.
Nữ nhân viên sứ quán đứng phía sau đã chụp cho ông bức ảnh ông đang tác nghiệp lúc hạ cờ và nhân viên này đã gửi cho ông bức ảnh đó khi đọc được bài viết của về đêm trước ngày Sài Gòn được giải phóng.
Cựu nhà báo của tờ Hankuk Ilbo cho biết ông có 2 giai đoạn tác nghiệp tại miền Nam Việt Nam với tổng thời gian khoảng 3 năm. Vì thế ông rất gắn bó và nhớ rõ từng con phố ở trung tâm Sài Gòn. Việc tác nghiệp khi đó rất khó khăn.
Trừ một vài tờ báo lớn trang bị cho phóng viên máy điện tín telex còn các phóng viên như ông đều phải đến trung tâm telex ngay cạnh bưu điện trung tâm Sài Gòn để truyền thông tin về tòa soạn. Những ngày cuối cùng trước khi rời Sài Gòn, ông đã mất liên lạc và tòa soạn cũng như người thân đều rất lo lắng.
Ông Ann cho biết ông rất yêu Sài Gòn và kể cả thời khắc ngồi trên trực thăng rời đi, ông vẫn nghĩ sẽ sớm quay trở lại. Năm 1989, sau 14 năm, ông đã có chuyến công tác tới Việt Nam và trong lần này, ông đã tới Hà Nội.
Rồi kể từ đó, hầu như năm nào ông cũng trở lại thăm Sài Gòn trong dịp 30/4. Ông Ann nói từ đáy lòng ông xin gửi lời chúc mừng đến nhân dân Việt Nam vì đã thống nhất đất nước. Đất nước thống nhất, độc lập có ý nghĩa vô cùng to lớn.
Nhắc đến những tư liệu về Sài Gòn, nhà báo Ann cho biết đây chính là nỗi đau đáu của ông. Khi tuổi ngày càng cao, nhiều năm qua ông đã chủ động tìm kiếm nơi để gửi tài liệu.
Tuy nhiên, thời đại công nghệ số, tòa soạn Hankuk ilbo không có chỗ để lưu giữ các tư liệu do ông thu thập. Ông cho biết các bài báo và tư liệu về Sài Gòn ông đã tập hợp lại thành bộ 30 cuốn và rất mong được gửi lại cho một thư viện nào đó lưu giữ.
Vài năm nay, do đại dịch COVID-19 và cũng do tuổi đã cao, ông không thể sang Việt Nam vào mỗi dịp 30/4. Tuy nhiên, ký ức về những tháng ngày lịch sử đó chưa bao giờ phai trong ông.
Đó là những năm tháng tác nghiệp sôi nổi của một nhà báo chiến trường trong thời điểm lịch sử. Ông cho biết ông là nhà báo cuối cùng của Hàn Quốc có mặt tại miền Nam Việt Nam đến thời điểm 30/4 và ông cảm ơn số phận vì đã được tham gia vào thời khắc lịch sử đó./.