Phóng xạ I-131 đang giảm dần tại khu vực Đà Lạt

Theo PGS Nguyễn Nhị Điền, phóng xạ I-131 giảm tại Đà Lạt ngày 1/4 là dấu hiệu đám mây phóng xạ qua khu vực này có xu hướng tan.

Tổ Công tác xử lý thông tin sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima I (thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) ngày 1/4 cho biết, hàm lượng I-131 tại điểm quan trắc Đà Lạt có xu hướng giảm.

Cụ thể, trong các ngày 30-31/3, hàm lượng I-131 đo được tại Đà Lạt là 62,4 mBq/m3. Nhưng từ 31/3-1/4 là 41,5 mBq/m3.


Qua các số liệu quan trắc về hàm lượng I-131 tại các điểm quan trắc ở Đà Lạt, Thành phố Hồ Chí Minh và Ninh Thuận, các chuyên gia đi đến kết luận hàm lượng I-131 tại các điểm trên khá đồng nhất, ở mức thấp, không ảnh hưởng đến môi trường và con người.

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Nhị Điền (Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt), tối 1/4 cho phóng viên Vietnam+ hay, việc phóng xạ I-131 giảm là dấu hiệu tốt, chứng tỏ đám mây phóng xạ qua khu vực này đang dần tan.

Ông Điền cũng dự báo, với việc không có những vụ rò rỉ hạt nhân tiếp theo và chu kỳ bán rã của I-131 là 8,2 ngày, trong vài ngày tới, lượng I-131 sẽ không còn.

Ngoài ra, tại Đà Lạt vẫn chưa ghi nhận có phóng xạ Cs-137 trong không khí.

Tại Hà Nội, báo cáo cũng nêu rõ, kết quả kiểm xạ môi trường tại Trạm quan trắc tại Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân cho thấy, chưa có mức tăng phông bức xạ bất thường trong ngày 01/4 so với ngày hôm 31/3.

Như vậy, vấn đề phóng xạ trong không khí hiện vẫn thấp hơn hàng nghìn lần so với tiêu chuẩn cho phép.

Trong khi đó, số liệu hạt nhân phóng xạ môi trường từ Trung tâm dữ liệu quốc gia của Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện (CTBTO) cho thấy vẫn tiếp tục phát hiện hạt nhân phóng xạ.

Cụ thể, nồng độ hạt nhân phóng xạ ghi nhận được cao nhất tại trạm JPP38 đặt tại gần nhà máy điện hạt nhân Fukushima I, tiếp đến là các trạm do Hoa Kỳ quản lý trên biển Thái Bình Dương.

Các trạm nằm trong lục địa Bắc Mỹ và Canada cũng có nồng độ hạt nhân phóng xạ khá cao do thuận chiều gió từ Nhật Bản, tuy nhiên còn thấp hơn mức cho phép hàng chục nghìn lần.

Các trạm quan trắc tại châu Âu và châu Á cũng phát hiện được hạt nhân phóng xạ, nhưng nồng độ hạt nhân phóng xạ thấp hơn nhiều.

Theo dự báo, nếu các lò phản ứng tại Nhật Bản không còn rò rỉ phóng xạ thì các ngày sắp tới nồng độ hạt nhân phóng xạ sẽ giảm do quá trình phân tán trong khí quyển và quá trình rơi lắng tự nhiên./.

Trung Hiền (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục