Ông Phạm Ngọc Thức, người làng Cảnh Dương, Quảng Trạch, Quảng Bình, năm nay đã 80 tuổi nhưng mỗi khi nhớ biển ông lại vác lưới 'đi săn.' (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Không chỉ hiểu rõ những con sóng, xoáy nước ngầm... để tìm hướng nhiều cá tôm thả lưới, ông Thức còn là một nghệ nhân dân gian về hát ru và các làn điệu chèo cạn của vùng đất miền Trung này. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Đi kéo ruốc là công việc phụ khi vào mùa của ngư dân Quảng Bình. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Họ thường chèo thuyền thúng ra biển bắt tôm, cá cháo, cá nanh... từ 2 giờ sáng rồi sau đó mới thả lưới kéo ruốc đến chiều ngày hôm sau. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Những ngư dân này hầu hết đều đã ngoại lục tuần nhưng vẫn giữ được sức vóc vạm vỡ và dẻo dai. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Ông Nguyễn Nương, năm nay 65 tuổi, ở thôn Trung Vũ, xã Cảnh Dương, gắn bó với vùng biển quê nhà từ năm mới đôi mươi cho biết ruốc ít hay nhiều là phụ thuộc vào con nước theo ngày Trăng. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Hơn 40 năm gắn bó với biển, tới giờ đã ngoại lục tuần mà ông Nương vẫn khiến thanh niên trai làng phải ngưỡng mộ vì cơ bắp cuồn cuộn tráng kiện và rắn rỏi. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Theo những ngư dân già cho hay, mùa kéo ruốc biển bắt đầu từ khoảng tháng Mười hàng năm. Khi trời yên, biển lặng là ruốc bắt đầu về, nhiều nhất vào dịp Tết Nguyên đán và kết thúc vào đầu tháng Tư năm sau. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Mức là loại dụng cụ giống như chiếc túi lớn, miệng rộng làm bằng lưới, có lỗ nhỏ li ti để ruốc không lọt qua. Dưới đáy mức có gắn chì nặng để kéo sát đáy, hai bên thân mức trỏ về hai phía để gom ruốc. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Theo ông Nương, ruốc di chuyển thành từng luồng dày đặc (cách bờ biển khoảng vài chục mét), khiến nhiều lúc nhìn mặt nước như ửng đỏ. Lợi dụng tập tính di chuyển này của ruốc, ngư dân dùng mức kéo ngược chiều để bắt. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Vào mùa, mỗi lần ông Nương có thể kéo được khoảng chục cân ruốc mang đến bờ, rồi quay lại kéo tiếp liên tục như vậy cả buổi. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Ruốc sau khi đánh bắt được chế biến thành nhiều món ăn như ruốc xào hành, ruốc khô bóp khế chua, ruốc khô trộn bưởi, canh ruốc khô nấu khế... nhưng có lẽ ngon và đặc biệt nhất vẫn là món gỏi ruốc. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Gỏi ruốc tươi chế biến rất đơn giản: ruốc bắt từ biển lên còn nhảy tanh tách, đỏ au được nhặt sạch rác hay cá tạp, sau đó rửa sạch bằng nước biển rồi vắt ráo nước... (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Khi ruốc đã ráo nước, cho vào tô lớn vắt chanh, ướp khoảng 10-15 phút cho ruốc chín và không còn mùi tanh rồi cho thêm chút đường, tiêu, gừng thái chỉ, ớt cắt mỏng, rau thơm... vào là thành món gỏi ruốc. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Một ngày kéo ruốc của những ngư dân như ông Thức, ông Nương thường kết thúc khi Mặt Trời xuống bóng. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Niềm vui của ông Đắng sau một ngày kéo ruốc thành công. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Ruốc là loại hải sản đánh bắt gần bờ, thân giáp xác mười chân có hình dáng như con tôm nhỏ, chỉ lớn khoảng 10-40mm. Vừa kéo ở biển lên bán tại chỗ có giá từ 10.000-20.000 đồng/kg. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
(Vietnam+)