Phục dựng hình ảnh Điện Kính Thiên: Mái lợp ngói vàng hình rồng độc đáo

Kết quả nghiên cứu dựa trên nhiều cơ sở khoa học tin cậy, xác thực, giúp công chúng và giới khoa học có thể hình dung rõ ràng hơn về vẻ đẹp độc đáo của kiến trúc Hoàng cung Thăng Long.

Hình ảnh phục dựng hình thái kiến trúc Điện Kính Thiên. (Ảnh: Viện Nghiên cứu Kinh thành)
Hình ảnh phục dựng hình thái kiến trúc Điện Kính Thiên. (Ảnh: Viện Nghiên cứu Kinh thành)

Viện Nghiên cứu Kinh thành (Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) đã hoàn tất việc phục dựng hình thái kiến trúc Điện Kính Thiên.

Theo đó, công trình quan trọng nhất cung điện thời Lê sơ sử dụng ngói hình rồng, mái trùng diêm yết sơn đỉnh (hai mái chồng lên nhau, có hai đầu hồi), kiến trúc đấu củng (cấu tạo từ một bộ các khối gỗ ghép vào nhau)…

Đó là thông tin Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành cung cấp cho báo chí chiều 27/11.

Điện Kính Thiên nằm chính giữa khu vực Cấm thành của Kinh đô Thăng Long thời Lê sơ. Đây là nơi diễn ra các nghi thức quan trọng nhất của quốc gia như: Lễ Đăng cơ, Lễ Đại triều và Lễ đón tiếp Sứ thần các nước.

buiminhtri.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành chia sẻ với báo chí. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Trải qua hơn 388 năm tồn tại, năm 1816, vua Gia Long đã cho xây dựng cung điện mới tại nền Điện Kính Thiên để làm hành cung cho các vua nhà Nguyễn mỗi khi tuần du ra Bắc. Năm 1886, sau khi Pháp chiếm Hà Nội, điện bị phá huỷ để xây tòa nhà của quân đội Pháp. Dấu tích lưu lại những ký ức vàng son của Điện Kính Thiên còn lại trên mặt đất ngày nay là thềm bậc đá chạm đôi rồng đã trở thành Bảo vật Quốc gia.

Từ năm 2011 đến nay, đã có hàng chục cuộc khai quật khảo cổ diễn ra tại xung quanh điện Kính Thiên.

“Tư liệu tin cậy và xác thực của khảo cổ học chứng minh chắc chắn rằng, kiến trúc Điện Kính Thiên thuộc loại kiến trúc đấu củng. Đây là chìa khóa quan trọng cho hành trình nghiên cứu giải mã bí ẩn về hình thái kiến trúc Điện Kính Thiên,” Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Minh Trí cho biết.

ngoirong.jpg
Ngói hình rồng dùng để lợp mái Điện Kính Thiên. (Ảnh: Viện Nghiên cứu Kinh thành)

Dựa vào kích thước của thềm bậc đá chạm rồng có thể tính được gian chính của Điện Kính Thiên có chiều rộng 4,8m, gian hai bên rộng 4,2m. Từ số liệu này kết hợp nghiên cứu so sánh với mặt bằng chính điện Lam Kinh (Thanh Hóa) có thể xác định được số gian chiều ngang của Điện Kính Thiên là 9 gian (7 gian 2 chái), chiều sâu của lòng điện là 6 gian, có diện tích lớn khoảng 1.188m2, trong đó chiều ngang có 10 cột, chiều dọc có 6 cột, tổng cộng công trình có 60 cột gỗ.

Nghiên cứu so sánh cấu kiện gỗ và các loại ngói lợp mái cho thấy kiến trúc Điện Kính Thiên được thiết kế xây dựng rất công phu, trang trí cầu kỳ và tráng lệ theo nghi thức cung đình với nhiều màu sắc lộng lẫy, mang vẻ đẹp quyền uy và thịnh vượng của vương triều, mang nét tương đồng với các cung điện nổi tiếng nhất ở Đông Á cùng thời, như cung điện ở Cố cung Bắc Kinh (Trung Quốc) hay Changdeokgung (Hàn Quốc).

“Mái Điện Kính Thiên được lợp bằng ngói hình rồng. Đây là loại ngói độc đáo nhất trong tất cả các loại ngói lợp mái cung điện cổ ở châu Á thời bấy giờ, đưa lại một sắc thái rất riêng biệt, mang đầy tính sáng tạo của kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lê sơ,” ông Bùi Minh Trí khẳng định.

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, ông Bùi Minh Trí cho hay: Do đã bị phá hủy từ lâu và không có tư liệu lịch sử hay hình ảnh, bản vẽ nào mô tả về kiến trúc tòa chính điện, nên thế hệ ngày nay không thể biết được diện mạo, quy mô và hình thái kiến trúc Điện Kính Thiên thời Lê như thế nào.

vnp_khaoco.jpg
Khu vực khai quật khảo cổ trong Hoàng thành Thăng Long. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Chính vì vậy, các chuyên gia Viện Nghiên cứu Kinh thành đã dựa trên kết quả khảo cổ học và phương pháp so sánh với các quốc gia “Đồng Văn” (cùng chữ viết) với Việt Nam là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản để “giải mã” hình thái kiến trúc của công trình quan trọng này.

Theo ông Bùi Minh Trí, phục dựng hình thái Điện Kính Thiên được xem là kết quả nghiên cứu ban đầu, còn mang tính giả định về mặt bằng kiến trúc và chắc chắn còn có nhiều vấn đề phải tiếp tục nghiên cứu và kiểm chứng.

Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu dựa trên nhiều cơ sở khoa học tin cậy, xác thực, giúp công chúng và giới khoa học có thể hình dung rõ ràng hơn về vẻ đẹp độc đáo của kiến trúc Hoàng cung Thăng Long xưa cùng với những nét tương đồng và khác biệt của kiến trúc cung điện Việt Nam trong lịch sử kiến trúc cung điện cổ ở Đông Á.

Kết quả nghiên cứu, phục dựng sẽ được công bố trong trưng bày “Giải mã bí ẩn Kiến trúc Điện Kính Thiên” khai mạc ngày 29/11 tại Bảo tàng Hà Nội./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục