Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang vừa phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích lịch sử và danh thắng núi Mo So, huyện Kiên Lương (Kiên Giang) với tổng diện tích khoảng 136,11ha.
Quy mô quy hoạch khoảng 136,11ha thuộc dãy núi Bãi Voi (ấp Ba Núi) tiếp giáp với thị trấn Kiên Lương, xã Bình Trị và xã Bình An (Kiên Lương).
Thời gian thực hiện quy hoạch từ năm 2024 đến năm 2030.
Toàn khu quy hoạch gồm 7 phân khu chức năng, trong đó, phân vùng bảo vệ bảo tồn di tích, gồm Khu bảo tồn di tích cách mạng núi Mo So với 36,36ha; bảo tồn sinh thái cảnh quan với diện tích 20,61ha; khu trưng bày và thông tin di sản, diện tích 17,2ha; khu phục hồi cảnh quan, sinh thái, môi trường, diện tích 13,48ha.
Khu phân vùng phát huy giá trị di tích, gồm: khu dịch vụ hỗn hợp, diện tích 28,68ha; khu dân cư và tái định cư, du lịch cộng đồng có diện tích 8ha và khu đón tiếp, quản lý giao thông, hạ tầng và các công trình sử dụng chung với diện tích 11,08ha.
Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang, núi Mo So là khu vực di sản hỗn hợp, gồm di tích lịch sử cách mạng với giá trị lịch sử to lớn trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ; danh thắng nổi tiếng có cảnh quan sơn thủy và bối cảnh hiện đại; di sản sinh thái (rừng ngập mặn và sinh thái núi đá vôi); di sản địa chất, địa mạo và hang động đặc biệt; di sản quần cư, nơi cư ngụ lâu đời của dân địa phương.
Do đó, việc quy hoạch tổng thể trên nhằm bảo tồn, tôn tạo khu di tích và khơi dậy làm tăng giá trị các nguồn tài nguyên thiên nhiên, văn hóa và lịch sử trong vùng; tạo khung pháp lý để triển khai các dự án thành phần, phát triển kinh tế di sản, du lịch mang lại lợi ích thiết thực cho địa phương.
Núi Mo So thuộc địa bàn ấp Ba Núi, xã Bình An, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang là Di tích lịch sử và thắng cảnh cấp quốc gia. Đây là căn cứ cách mạng trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, có giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa, du lịch, giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.
Lịch sử còn ghi, trong kháng chiến chống Pháp (1945-1954), vào năm 1947, dưới sự chỉ đạo của Quân khu 9, Công binh xưởng 18 được thành lập tại hang núi Mo So. Nhiệm vụ chính của xưởng là sửa chữa súng hư, gãy cò, bể báng súng; sản xuất lựu đạn, súng kíp, súng ngắn phục vụ kháng chiến.
Đầu tháng 3/1951, thực dân Pháp tấn công, đánh chiếm Mo So, đập phá công binh xưởng và vận chuyển đi một số phương tiện, thiết bị sửa chữa, sản xuất vũ khí. Sau 4 ngày bắn phá, địch rút khỏi Mo So, công nhân trở về tu sửa xưởng, phương tiện, thiết bị và tiếp tục sửa chữa, sản xuất vũ khí.
Trong đấu tranh chống Mỹ xâm lược (1954-1975), Mo So là căn cứ cách mạng, điểm chốt quan trọng trên tuyến đường 1C chi viện vũ khí, đạn dược từ Bắc vào Nam.
Trong 2 năm (1969-1970), địch mở nhiều chiến dịch, điên cuồng đánh vào Mo So với lực lượng quy mô, hỏa lực mạnh quyết hủy diệt căn cứ cách mạng này nhưng bất thành.
Lực lượng của ta, dựa vào thế hang động hiểm trở và với tinh thần chiến đấu oanh liệt, dũng cảm, sáng tạo của các cán bộ, chiến sỹ đã làm thất bại ý đồ xóa sổ Mo So của địch, gây cho chúng tổn thất nặng nề về khí tài, lực lượng, tinh thần hoảng loạn
Căn cứ cách mạng Mo So vững chắc trước mưa bom, bão đạn của kẻ thù, góp phần cùng với cả nước và Nam bộ thành đồng làm nên Đại thắng mùa Xuân lịch sử 30/4/1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Di tích lịch sử và thắng cảnh Mo So có nhiều hang động rất kỳ thú, “độc nhất, vô nhị” ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Những “Thạch đạo” như một tuyệt tác thiên nhiên, ẩn chứa nhiều giá trị độc đáo về mỹ thuật, địa chất, địa mạo… góp phần phát triển du lịch, tham quan, trải nghiệm, khám phá của du khách và phục vụ nghiên cứu khoa học.
Ngày 13/2/1995, Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận Mo So là Di tích Lịch sử và thắng cảnh cấp Quốc gia./.