Ngày 22/11, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Phân viện Khoa học công nghệ Xây dựng miền Trung tổ chức lễ khánh thành công trình Bảo tồn, phục hồi di tích Đông Khuyết Đài thuộc hệ thống di tích Cố đô Huế.
Được khởi công xây dựng từ tháng 3/2013 đến nay, dự án Bảo tồn, phục hồi di tích Đông Khuyết Đài có tổng vốn đầu tư hơn 11, 2 tỷ đồng, bao gồm việc phục hồi nhà canh, tu bổ phục hồi tường thành và lan can, tôn tạo sân vườn, hệ thống cấp thoát nước và hệ thống điện chiếu sáng.
Đông Khuyết Đài có diện tích 1.783m2, nằm ở chính giữa mặt đông của Hoàng thành Huế. Đây là một trong bốn khuyết đài được vua Gia Long cho xây dựng ở bốn mặt của Hoàng thành Huế để phục vụ cho việc quan sát và phòng thủ. Trên mỗi đài đều có xây một nhà vuông, lợp ngói phẳng. Vị trí của Đông Khuyết Đài gần cổng Hiển Nhơn; vòng hào phía trước Đông Khuyết Đài thuộc hệ thống hào bên ngoài bảo vệ Hoàng thành (còn gọi là hồ Ngoại Kim Thủy).
Từ cổng Hiển Nhơn (cổng mặt đông của Hoàng thành) ra ngoài phải đi qua một chiếc cầu bắc ngang hồ Ngoại Kim Thủy.
Di tích Đông Khuyết đài có vị trí đối xứng với di tích Tây Khuyết Đài qua trục dũng đạo, cùng với các công trình khác cùng chức năng đã tạo nên một tổng thể kiến trúc hoàn chỉnh cho hệ thống kiến trúc Hoàng thành Huế.
Các khuyết đài còn lại bao gồm Nam Khuyết Đài (sau này được xây dựng lại và đổi tên là Ngọ Môn - cổng chính của Hoàng thành ở mặt Nam), Tây Khuyết Đài (gần cổng Chương Đức), Bắc Khuyết Đài (gần cổng Hòa Bình, cuối thời Nguyễn được cải tạo thành lầu Tứ Phương vô sự).
Đông Khuyết Đài được xây dựng dưới thời vua Gia Long (năm 1804); đến năm Minh Mạng thứ 10 (1830) nhân lễ tứ tuần đại khánh của mình, nhà vua đã cho sửa sang lại Đông Khuyết Đài và tô màu vàng.
Đến năm 1839, vua Minh Mạng tiếp tục cho sửa sang Đông Khuyết Đài. Trải qua chiến tranh và thời tiết công trình đã bị xuống cấp, đổ nát và hoang phế cho đến nay.
Đặc biệt, ngôi nhà canh bằng gỗ được làm dưới dạng "phương đình" (nhà vuông) đã bị triệt hạ hoàn toàn, công trình chỉ còn là phế tích.../.