Phút giây hạnh phúc nhất trong cuộc đời của một nhà báo

Gặp Bác khi còn là một cậu bé 16 tuổi và được Bác tặng danh thiếp là những ngày tháng hạnh phúc nhất trong cuộc đời của nhà báo Quản Tập.
Phút giây hạnh phúc nhất trong cuộc đời của một nhà báo ảnh 1Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp với các anh hùng chiến sỹ miền Nam tại khu vườn Phủ Chủ tịch ngày 15/11/1965. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Chúng tôi tìm gặp ông - nhà báo Quản Tập, nguyên Phó Tổng biên tập báo Thiếu Niên Tiền phong vào những ngày tháng 5 nóng như đổ lửa trên đất Hà Thành. Dù vậy, câu chuyện của người từng được gặp Bác Hồ, từng là chủ tờ báo được Bác tặng tấm thiệp quý giá năm xưa vẫn cuốn hút chúng tôi hàng tiếng đồng hồ. Ông năm nay đã ở tuổi gần 90 nhưng kỷ niệm thuở nhỏ được gặp Bác vẫn là những ký ức không thể nào quên.

Phút giây hạnh phúc nhất trong cuộc đời

Ngay khi được hỏi về Bác Hồ, ông Quản Tập dường như hào hứng và sôi nổi hơn như thể tìm được những người tri kỷ để trải lòng. Câu chuyện được gặp Bác Hồ khi ông mới 16 tuổi, lúc còn là một cậu bé lanh lợi, hoạt bát, được sinh ra ở làng quê nghèo Ninh Giang, Hải Dương nhưng giàu truyền thống yêu nước. Ông sớm chịu ảnh hưởng bởi cách mạng, đi theo cách mạng và tham gia vào công tác tuyên truyền cho cách mạng.

Nhắc đến Bác Hồ, đôi mắt mờ đục vì tuổi già dường như ánh lên niềm vui, cảm giác bao nhiêu kỷ niệm ùa về... Những năm 1946, khi đó Quản Tập, người đội trưởng đội Hướng Đạo Sinh dẫn đoàn đi dự cuộc gặp mặt Đội Hướng Đạo Sinh Việt Nam do cụ Hoàng Đạo Thúy triệu tập ở Hà Nội.

Đội Hướng Đạo Sinh do Quản Tập làm đoàn trưởng có tên là Hồng Châu và cuộc gặp Cụ Hồ ngày hôm đó với ông như là định mệnh, đến hôm nay ông vẫn khẳng định rằng, đó là những phút giây hạnh phúc nhất trong cuộc đời.

Ông kể: Sau khi các nghi lễ được hoàn tất, lều trại của từng Đoàn đều được đón Cụ Hồ (lúc đó chúng tôi chưa gọi là Bác Hồ như bây giờ) đến thăm. Chúng tôi đều còn nhỏ, chưa một lần được gặp Cụ nên hồi hộp lắm.

Nhìn thấy Cụ từ xa, dáng người gầy gò, cao ráo, da ngăm ngăm đen sạm, nhưng đôi mắt sáng, râu dài và rất đẹp… Cụ đến xem từng lều, xem các cháu ăn ngủ thế nào, kiểm tra các cọc, nút buộc đã đúng chưa... rồi tỉ mỉ phân tích những nút đúng sai. Tôi nghe như nuốt từng lời và rất thích chí khi được đứng gần Cụ lúc đó. Một lúc sau, Cụ Hồ dừng lại hỏi tôi:

- Các cháu ở đâu, đoàn nào?

- Dạ thưa Cụ, chúng cháu ở Hải Dương lên, cháu ở Đoàn Hồng Châu ạ.

Cụ lại hỏi:

- Tại sao lại là Hồng Châu?

- Thưa Cụ, Vùng Ninh Giang quê cháu thuộc về tỉnh Hải Dương, cách đây mấy trăm năm được gọi là Hồng Châu ạ. Chúng cháu gọi theo tên lịch sử mà năm xưa Trần Hưng Đạo diễu quân qua vùng quê của chúng cháu và đánh tan quân giặc tại sông Bạch Đằng ạ.

- Ồ các cháu giỏi lắm. Tên đấy rất hay. Đó là một chiến thắng vẻ vang của dân tộc, lấy tên lịch sử đặt tên cho Đoàn mình là rất đúng.

Cái tên Hồng Châu ngày nào chúng tôi cũng nghe, nghĩ cũng chỉ đơn giản là một cái tên gắn với lịch sử thôi. Nhưng khi được nghe Cụ phân tích và khen ngợi, sao mà hạnh phúc và sung sướng đến thế. Nói rồi, Cụ Hồ đi một vòng và nhận xét: Bác thấy trại của các cháu rất sạch và ngăn nắp. Bác đã xem lều của các cháu rồi, các cháu được học cắm lều rất đúng, chứng tỏ các cháu được huấn luyện tốt, giáo dục tốt và các cháu nhất định sẽ trở thành người tốt…Không còn gì vui sướng hơn khi được Chủ tịch nước khen ngợi, cả đoàn tôi lúc đó ai nấy đều rộn ràng, vui sướng.

Sau đó Cụ đi sang các lều khác. Lúc đó, tôi chạy lên phía trước, cứ chạy theo vì tiếc, vừa chạy thụt lùi vừa ngắm Cụ. - Ông Quản Tập giãi bày và lại kể tiếp như sợ cảm xúc bị ngắt quãng: Thấy tôi cứ chạy giật lùi, Cụ Hồ nghiêm nghị hỏi:

- Này cháu, cháu phải cẩn thận, chạy như thế dễ vướng vào dây, ngã đau lắm. Thế cháu chạy thế để làm gì?

- Dạ thưa Cụ, ở quê cháu, chúng cháu làm được rất nhiều tờ báo tường, thi đua làm báo tường. Cháu chạy thế để ngắm Cụ được nhiều hơn, khi về cháu vẽ Cụ trên tờ báo tường cùng với bài viết về ngày hôm nay ạ.

Nghe thấy thế, Cụ liền dừng chân và nói:

- Thế à, cháu đừng chạy lùi nữa nhé, Bác đứng lại cho cháu vẽ.

Cụ chỉ dừng lại chốc lát thôi, một vài giây thôi nhưng với cậu bé Tập ngày ấy, khoảnh khắc đó cứ râm ran còn mãi, theo ông suốt cuộc đời.

Đến bây giờ ông vẫn đặt câu hỏi: Sao một vị lãnh tụ lại yêu trẻ con đến thế? Sao mà làm báo, dù chỉ là báo tường mà lại có…uy lực đến thế, vì có thể khiến một lãnh tụ vĩ đại dừng lại…Từ đó, để thấy được tấm lòng của một vị cha già dân tộc đáng kính biết nhường nào. Thế là ông càng yêu công việc…làm báo tường của mình và dấu ấn đầu đời ấy đã khiến ông quyết tâm đến với nghề báo.


Danh thiếp đầu tiên Bác Hồ gửi cho báo chí

Ở cái tuổi gần 90, nhắc về kỷ niệm gắn với tình yêu thương của Bác Hồ, ông luôn khẳng định rằng, những ngày được gặp Bác khi còn là một cậu bé 16 tuổi và khi được nhận thiệp của Bác là những ngày tháng hạnh phúc nhất trong cuộc đời làm báo của mình.

Ông bảo: Tấm thiếp mà Bác Hồ tặng cho tờ báo Xung Phong năm xưa tôi luôn giữ trong túi ngực bên trái tim mình. Chính tình yêu trẻ của Bác đã trở thành động lực giúp tôi bước chân vào nghề báo.

Câu chuyện tờ báo Xung Phong được Bác Hồ tặng thiệp được ông kể lại trong những ngày này, khiến vị nhà báo lão thành như trẻ lại. Đó là những năm ông là chủ bút của tờ báo Xung Phong - tờ báo của trẻ em yêu nước tỉnh Hải Dương ra đời vào những năm kháng chiến chống Pháp. Số tết Mậu Tý, báo vừa xuất bản xong hãy còn thơm mùi mực, Ban biên tập bàn nhau gửi lên chiến khu Việt Bắc kính biếu Bác Hồ.

Bỗng một hôm, Đội Thiếu niên Giao thông đưa về một chiếc phong bì bé xíu, bằng giấy ximăng ở góc có số công văn 15MCH2. Kính gửi: Báo Xung phong - Cơ quan của trẻ em yêu nước tỉnh Hải Dương. Trong phong bì là một tấm danh thiếp của Bác Hồ. Tấm danh thiếp in hai mặt: Mặt sau có chữ Hồ Chí Minh bằng chữ Hán. Mặt trước ở giữa là chữ Hồ Chí Minh bằng chữ quốc ngữ, toàn bộ là 8 câu thơ lục bát được đánh máy bằng loại rubăng mực tím. Ban biên tập báo ai nấy đều xúc động và với lũ trẻ như chúng tôi ngày ấy, tấm thiệp còn quý hơn vàng.

Nội dung bài thơ là: “Bác nhận được báo “Xung phong"
/Cảm ơn các cháu có lòng gửi cho/
Các cháu nghe bác dặn dò
/ Phải biết yêu nước, phải lo học hành/
Siêng làm việc, siêng tập tành
/ Phải giữ kỷ luật mới thành cháu ngoan/
Bác yêu các cháu muôn vàn
/ Bác gửi các cháu một ngàn cái hôn/. ”

Nhận được món quà vô giá ấy, chúng tôi càng hăng say làm việc hơn, ai ai cũng nghĩ đó là một kỷ niệm không thể nào quên trong cuộc đời mình, dẫu chỉ là những số báo đơn sơ dành cho thiếu nhi.

Ông Quản Tập còn kể, sau này, ông có dịp gặp ông Vũ Kỳ, thư ký riêng của Bác Hồ, ông có nói lại chuyện đó. Ông Vũ Kỳ nói: - Thế là các cậu quá vinh dự. Không phải ai Bác cũng gửi danh thiếp. Vì đây là tờ báo trẻ em duy nhất của cả nước khi ấy nên được Bác ưu tiên. Và đây là danh thiếp đầu tiên Bác Hồ gửi cho báo chí.

“Lại thêm một niềm vinh dự lớn lao nữa và tôi cứ thấy mình lựa chọn con đường làm báo cho trẻ thơ thật đúng đắn. Và quả thực, cả một đời làm báo, dù có làm ở một vài tờ khác nhau nhưng có một điều không bao giờ thay đổi, đó là tôi chỉ làm báo cho trẻ em” - nhà báo Quản Tập chia sẻ.

Tấm thiệp quý của Bác Hồ tặng lúc nào ông Quản Tập cũng để bên túi trái, nơi gần trái tim mình. Ông vẫn còn nhớ, những ngày ấy, địch tổ chức nhiều trận càn. Trong một trận càn của giặc, nhờ có tấm thiệp của Bác mà ông được du kích cứu sống. Xem tấm thiệp biết ông là cán bộ, đội du kích cho thuyền đưa ông và bạn ông chạy thoát, tránh được đồn bốt của giặc. Thế là cái tấm thiệp ấy trở thành ân nhân của ông. Vì thế, với ông, tấm thiệp còn quý hơn sinh mạng vì nó đã nhiều lần cứu mạng ông như thế.

Câu chuyện còn rất dài đối với một người vẫn ăm ắp cảm xúc khi nhắc về Bác Hồ. Trong buổi trò chuyện hôm nay, những người trẻ như chúng tôi hiểu hơn về một người làm báo gắn bó cả đời với những tờ báo viết cho thiếu nhi, đã có những kỷ niệm đẹp đẽ với Chủ tịch Hồ Chí Minh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục