Đã ngót 80 mùa xuân, ông Tẩn Kim Phu, người dân tộc Dao ở khu 6, thị trấn Sìn Hồ, huyện biên giới Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu, vẫn còn nhớ như in kỷ niệm được gặp Bác, được Bác ân cần hỏi chuyện.
Chính phong thái giản dị của Bác Hồ đã là động lực cho ông Phu phấn đấu vươn lên hoàn thành mọi nhiệm vụ mà tổ chức phân công, kể cả những lúc ở chiến trường ác liệt.
Ông Tẩn Kim Phu tiếp chuyện chúng tôi trong ngôi nhà đậm nét văn hóa dân tộc Dao, xung quanh đầy ắp những bằng khen, giấy khen qua các thời kỳ ông tham gia kháng chiến, đến những năm công tác ở các cấp chính quyền sau này. Ông Phu sinh năm 1939 trong một gia đình đông anh em. Năm 1959, ông đi học tại Trường Bổ túc văn hóa thanh niên các dân tộc ở Sơn La.
Ông Phu nhắc đến kỷ niệm được gặp Bác mà bùi ngùi, đầy ắp cảm xúc. Năm 1962, khi ấy ông Phu ngoài đôi mươi, đang là học sinh lớp 10. Thời điểm đó là dịp chuẩn bị kỷ niệm 8 năm Chiến thắng Điện Biên phủ, đồng thời kỷ niệm 7 năm thành lập khu tự trị Thái-Mèo nên Khu được vinh dự đón đoàn công tác của Trung ương lên thăm và dự lễ.
Sáng 5/5/1962, biết rằng sẽ được gặp Bác, trong lòng mỗi học sinh toàn trường đều háo hức chờ đợi giờ phút đón đoàn công tác. Buổi trưa, ông Phu và bạn cùng lứa không nghỉ trưa mà tập trung chuẩn bị làm lá cờ và khẩu hiệu với nội dung “Nhiệt liệt chào mừng Đoàn công tác của Trung ương lên thăm khu ta.”
Đến giờ hẹn, toàn trường hành quân ra thị trấn Thuận Châu và đứng xếp thành hai hàng ở hai bên đường vào trụ sở Ủy ban hành chính Khu. Ông Phu kể: “Gần 4 giờ chiều, đoàn xe của Đoàn công tác Trung ương đã tới. Những người trong xe lần lượt bước ra. Khối học sinh lớp 10 chúng tôi được đứng hàng đầu, nên được quan sát tương đối kỹ. Đi trước là cán bộ của Khu gồm đồng chí Lò Văn Hặc, Lê Trung Đình, Trần Quyết... Tiếp sau là một đồng chí mặc quần áo bộ đội, sau này mới biết đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tiếp sau nữa là một người có vóc dáng hơi gầy, mặc quần áo kaki mầu trắng, đó chính là Bác Hồ mà chúng tôi đã từng được nhìn thấy trong ảnh, ai cũng nhận ra ngay. Lúc ấy mọi người đều hô vang: Bác Hồ muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm!”.
Bữa cơm tối, cùng với các học sinh khác, ông Tẩn Kim Phu vinh dự là học sinh dân tộc Dao duy nhất được Khu mời đi ăn cơm với Bác Hồ. Bác Hồ đi về phía dãy bàn ăn của học sinh.
Thấy Bác, mọi người đồng thanh: - Chúng cháu mời Bác ăn cơm ạ! Bác Hồ nói: - Các cháu ngoan lắm, các cháu ăn cơm đi. Các cháu ăn cơm thế này, có thấy ngon không?
- Thưa Bác, ngon lắm ạ!
Bác Hồ nói tiếp: - Chưa ngon lắm đâu. Vì nước ta mới được giải phóng, đồng bào ta còn khổ lắm.
Nói rồi, Bác đến bên cạnh và vỗ vai ông Phu hỏi: - Cháu là người dân tộc gì? Học lớp mấy?
- Thưa Bác, cháu là dân tộc Dao! Cháu học lớp 10 ạ!
- Ở lớp cháu có mấy người Dao?
- Dạ, có một mình cháu thôi ạ!
Sau đó Bác Hồ ra đứng ở giữa hai dãy bàn và nói giọng trầm ấm, nhẹ nhàng với đại ý: Thời đế quốc Pháp và phong kiến cai trị nước ta, chúng thực hiện chính sách ngu dân. Đồng bào ta không được tự do, không được học hành, đời sống rất cực khổ. Ngày nay, miền Bắc nước ta đã được hoàn toàn giải phóng, đồng bào ta đã được tự do. Các cháu phải cố gắng học tập để có nhiều hiểu biết, sau này làm cán bộ phục vụ nhân dân. Tôi mong Khu ủy và Ủy ban hành chính Khu sẽ chú ý đến công việc học tập của nhân dân các dân tộc. Việc khôi phục kinh tế và phát triển văn hóa phải đi đôi với nhau.
Sau khi ăn xong, ông Phu lại được sắp xếp ngồi ngay sau chỗ ngồi của Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp để xem biểu diễn văn nghệ. Chương trình biểu diễn gồm nhiều tiết mục đặc sắc. Bác Hồ theo dõi rất chăm chú các tiết mục biểu diễn.
Khi chương trình văn nghệ kết thúc, Bác Hồ và đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí trong đoàn lên sân khấu bắt tay từng diễn viên và nhạc công. Bác Hồ vừa bắt tay vừa khen: “Các cô, các chú biểu diễn hay lắm. Nhưng không được tự mãn, phải cố gắng hơn nữa để biểu diễn hay hơn." Bác lấy nhịp bài hát “Kết đoàn” cho tất cả cùng hát, rồi đi xuống hội trường.
Ông Tẩn Kim Phu nhớ lại, sáng ngày mồng 7 tháng 5 năm 1962, toàn trường được nghỉ học để đi dự lễ míttinh kỷ niệm ngày chiến thắng Điện Biên phủ, đồng thời là ngày thành lập Khu tự trị Thái- Mèo. Lễ míttinh được tổ chức tại sân vận động của Khu.
Trong buổi lễ míttinh, một lần nữa chúng tôi lại được nhìn thấy Bác Hồ trên lễ đài. Tại buổi lễ, đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa đọc diễn văn chào mừng. Sau diễn văn chào mừng, đồng chí Lò Văn Hặc là Chủ tịch Ủy ban hành chính thay mặt nhân dân các dân tộc trong khu phát biểu cảm ơn Bác Hồ, cảm ơn Đảng và Chính phủ, trao tặng Bác Hồ một vật kỷ niệm, đó là chiếc khèn “khenz laoz” của người Thái Yên Châu. Bác Hồ đã cầm khèn đưa lên miệng thổi thử. Mọi người đều cười vui vẻ, Bác Hồ lại bắt nhịp bài hát “Kết đoàn”...
Sau nhiều lần gặp Bác, những hình ảnh, cử chỉ và lời nói của Bác luôn luôn ở trong tâm trí của ông Phu. Đây là động lực luôn thôi thúc ông phấn đấu vươn lên hoàn thành mọi nhiệm vụ mà tổ chức phân công, kể cả những lúc ở chiến trường ác liệt nhất như mười hai ngày đêm “Điện Biên phủ trên không”,... cũng như trong hòa bình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ông Tẩn Kim Phu đã từng giữ nhiều chức vụ quan trọng của huyện biên giới Sìn Hồ như Phó Bí thư huyện ủy (1976-1981); Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện (1981-1990); Chủ tịch Hội đồng Nhân dân huyện (1990-2000).
Nghỉ hưu, ông vẫn nhiệt tình tham gia công tác Hội Cựu chiến binh của huyện. Nay ở tuổi ngót 80 nhưng ông Phu vẫn viết sách, nghiên cứu văn hóa dân tộc Dao và dù ở bất kỳ cương vị công tác nào, bản thân ông Phu cũng luôn noi theo tấm gương đạo đức của Hồ Chủ tịch./.