Bóng đen của chương trình kích thích kinh tế khổng lồ của Mỹ (hay còn gọi là gói QE3) vẫn tiếp tục bao trùm trên các thị trường chứng khoán toàn cầu, khiến nhà đầu tư "chùn tay," thận trọng chờ đợi quyết định của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về "số phận" của chương trình này tại cuộc họp về chính sách trong hai ngày 17-18/12 tới.
Số liệu tích cực về doanh số bán lẻ của Mỹ vừa được công bố hôm qua (12/12) càng làm tăng thêm đồn đoán về khả năng Fed sẽ sớm cắt giảm QE3, có thể là ngay trong tháng 12 này, sau khi nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp nhận một loạt số liệu kinh tế mạnh mẽ thời gian gần đây.
Tuy nhiên, mở cửa phiên cuối tuần 13/12, chứng khoán châu Á lại biến động trái chiều, với chỉ số Hang Seng của Hong Kong để mất tiếp 0,59%; trong khi Nikkei 225 của Nhật đảo chiều đi lên, tăng 0,46%, chủ yếu nhờ đồng yen lại yếu trở lại so với đồng bạc xanh.
Triển vọng Fed cắt giảm dần QE3 đang làm đồng USD mạnh lên, đồng yen yếu đi và theo chiến lược gia cấp cao Hideyuki Ishiguro tại Công ty chứng khoán Okasan (Tokyo), điều này có lợi cho thị trường chứng khoán Nhật Bản, do đồng yen yếu sẽ hỗ trợ các nhà xuất khẩu nước này.
USD đã phục hồi trong phiên 12/12 khi khả năng Fed hạn chế QE3 ngày càng gia tăng sau số liệu khả quan mới nhất về tình hình bán lẻ tại Mỹ.
Theo số liệu chính thức, doanh thu bán lẻ tại Mỹ trong tháng 11 đã tăng 0,7%, vượt mức dự báo 0,6% của các nhà phân tích.
Con số mới nhất này góp thêm một gam màu tươi sáng nữa vào bức tranh vốn đã rất sáng sủa của nền kinh tế Mỹ thời gian gần đây, đồng thời càng làm cho số phận của gói QE3 thêm mong manh.
Đêm trước tại Mỹ, chứng khoán Phố Wall cũng tiếp tục có phiên mất điểm thứ ba liên tiếp sau khi thị trường đón nhận thông tin tích cực bất ngờ về doanh thu bán lẻ tháng 11.
Đóng cửa phiên này, cả ba chỉ số chính của Phố Wall đều sụt giảm, trong đó Dow Jones Industrial Average giảm 104,10 điểm (0,66%) xuống 15.739,43 điểm; S&P 500 mất 6,72 điểm (0,38%) xuống 1.775,50 điểm, Nasdaq Composite lùi 5,41 điểm (0,14%) xuống 3.998,40 điểm. Tuy nhiên, mức giảm điểm đã bớt đi nhiều so với các phiên trước.
Cùng ngày ở bên kia bờ Đại Tây Dương, chứng khoán châu Âu cũng hầu hết "đỏ lửa" với cùng những lo ngại trên.
Ngoài ra, nhà đầu tư châu Âu còn bị ảnh hưởng bởi số liệu đáng thất vọng về hãng sản xuất ôtô lớn thứ hai châu Âu PSA Peugeot Citroen.
Đóng cửa phiên 12/12, cả ba chỉ số chính của chứng khoán châu Âu đều bị mất điểm, trong đó FTSE 100 của Anh trượt 0,96% xuống 6.445,25 điểm; CAC 40 của Pháp lùi 0,43% về 4.069,12 điểm, trong khi DAX 30 của Đức giảm 0,66% xuống 9.017 điểm./.