QH: Lo ngại việc 'vừa đá bóng, vừa thổi còi' trong đầu tư nhà ở xã hội

Một số đại biểu lo ngại tình trạng "vừa đá bóng, vừa thổi còi" khi giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp.
QH: Lo ngại việc 'vừa đá bóng, vừa thổi còi' trong đầu tư nhà ở xã hội ảnh 1Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng giải trình về dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi. (Ảnh: TTXVN)

Việc quy định giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp tại khoản 4 Điều 80 dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm tranh luận với nhiều ý kiến trái chiều tại buổi họp Quốc hội chiều nay, 26/10, khi thảo luận về dự thảo luật này.

Lo ngại “vừa đá bóng, vừa thổi còi”

Ngay đầu phiên thảo luận, trình bày báo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) trước Quốc hội chiều nay, 26/10, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho hay vấn đề này còn có nhiều ý kiến khác nhau. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đưa ra hai phương án.

Phương án 1, quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư dự án nhà ở xã hội để cho thuê.

Phương án 2, quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trong Luật Nhà ở (sửa đổi) vì đây là vấn đề mới, quá trình thí điểm thời gian qua còn nhiều vướng mắc, chưa đủ độ “chín” để quy định trong Luật. Đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng Đề án báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định cho thực hiện thí điểm chính sách Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trong một thời hạn nhất định, nếu phát huy hiệu quả mới quy định trong Luật.

Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, đa số ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành phương án 1.

QH: Lo ngại việc 'vừa đá bóng, vừa thổi còi' trong đầu tư nhà ở xã hội ảnh 2Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu. (Ảnh: TTXVN)

Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội cho biết cần tính đến trường hợp khi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đại diện cho người lao động, lại tự mình đứng ra cung cấp nhà ở cho người lao động, nếu giả sử sản phẩm không tốt, ai sẽ là người đứng ra phản biện? Như vậy, vô hình chung, Tổng Liên đoàn vừa cung cấp, lại vừa giám sát nên sẽ không đảm bảo khách quan. Trong khi đó, nếu giao cho cơ quan độc lập, Tổng Liên đoàn sẽ có vai trò giám sát, đại diện cho người lao động nói lên tiếng nói của mình.

"Do đó, nên tính toán, cân nhắc, không nên vì các bên cung cấp không tốt, không đủ mà Tổng Liên đoàn Lao động đứng ra làm thay,” ông Cường nói.

[Phát triển nhà ở xã hội: 'Ưu đãi cho doanh nghiệp sẽ có hiệu lực ngay']

Cũng theo ông Cường, đã là nhà ở xã hội, chính sách phải là nhà nước, phải có nguồn vốn lớn của Nhà nước để huy động. Nhà nước có thể dùng các công cụ chính sách để huy động như đơn vị kinh doanh nhà ở, ví dụ quy định dự án nhà ở thương mại phải dành 20% quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội.

“Chúng ta không cần thiết phải ra áp dụng khiên cưỡng mà nên thay thế bằng đóng góp tiền 20% này vào Quỹ phát triển nhà ở xã hội để khoản tiền đó, để xây dựng nhà ở xã hội độc lập”, đại biểu Cường đề xuất.

QH: Lo ngại việc 'vừa đá bóng, vừa thổi còi' trong đầu tư nhà ở xã hội ảnh 3Đại biểu Tô Văn Tám nêu ý kiến. (Ảnh: TTXVN)

Đại biểu Tô Văn Tám, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum cho rằng việc giao cơ quan nhà nước, hay một tổ chức chính trị, xã hội làm chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để bán, cho thuê mua chưa phù hợp với yêu cầu tách biệt giữa chức năng của cơ quan nhà nước, chức năng của tổ chức chính trị xã hội và chức năng sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu bày tỏ đồng tình với việc giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội cho công dân. Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn cho rằng Tổng Liên đoàn có đủ cơ sở pháp lý để thực hiện hoạt động này đồng thời khẳng định nhà ở này chỉ cho thuê nên sẽ không phát sinh lợi nhuận. “Tôi đồng ý với phương án 1,” đại biểu Nghĩa nói.

Cùng quan điểm này, đại biểu Hà Ánh Phượng, Đoàn Đại biểu Quốc hội Phú Thọ viện dẫn một số dự án đã được công đoàn một số địa phương đầu tư hiệu quả và khẳng định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có đủ năng lực để làm chủ đầu tư.

Nên mở rộng đối tượng thuê?

Đồng ý với phương án giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đầu tư, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn tỉnh Hải Dương đề nghị nên mở rộng đối tượng được phép thuê nhà ở xã hội này.

Theo bà Nga, khi dự án đã hoàn thành đầu tư xây dựng, bước vào giai đoạn vận hành cho thuê, nếu chỉ cho phép công nhân, người lao động thuê sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng công nhân, người lao động chưa có nhu cầu thuê hết. Khi đó, nhà cho thuê vẫn thừa mà nhiều đối tượng khác thuộc có nhu cầu nhưng không thể thuê do không thuộc đối tượng “công nhân, người lao động”.

QH: Lo ngại việc 'vừa đá bóng, vừa thổi còi' trong đầu tư nhà ở xã hội ảnh 4Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị mở rộng đối tượng được thuê nhà. (Ảnh: TTXVN)

“Chỉ nên quy định các dự án nhà ở xã hội do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đầu tư thì ưu tiên cho đối tượng là công nhân, người lao động thuê,” đại biểu Nga kiến nghị. Theo bà Nga, cần quy định điều kiện các dự án nhà ở xã hội do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đầu tư phải xuất phát từ nhu cầu thực tế và dự báo nhu cầu thực tế của công nhân, người lao động tại địa bàn đầu tư dự án.

Trước nhiều ý kiên tranh luận, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội  tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng việc chăm lo, xây dựng nhà ở cho công nhân là cần thiết. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là một tổ chức chính trị, không có chức năng kinh doanh nên nếu Tổng Liên đoàn làm chủ đầu tư xây nhà ở cho công nhân thì chỉ nên dùng cho thuê, không bán.

Ông Hòa cũng đề nghị cần xác định rõ nguồn vốn đầu tư. Nêu ngân sách của Tổng Liên đoàn không đủ và vẫn cần đến nguồn ngân sách Nhà nước thì sẽ do ủy ban nhân dân cấp tỉnh đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân. Bên cạnh đó, việc xây dựng phải có quy hoạch rõ ràng, tách bạch giữa cơ sở kinh doanh, cơ sở sản xuất với nhà ở để tránh mất vệ sinh, mất an toàn.

Theo đại biểu Tô Văn Tám, đây là vấn đề rất mới. Vì thế, cần cân nhắc kỹ, chưa đưa nội dung này vào trong luật, cần có đánh giá tổng thể xem vấn đề này đã “chín”, đã rõ, đã được thực tiễn kiểm nghiệm chưa, qua đó đưa vào quy định một cách hợp lý.

Ghi nhận ý kiến đóng góp của các đại biểu, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết việc mở rộng cho các đối tượng khác ngoài công nhân thuê không đáp ứng đúng chức năng của Tổng Liên đoàn là chăm lo đời sống công nhân, người lao động. Cũng theo ông Tùng, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục