“Quả Cầu Vàng” 2013 sẽ trao cho 10 tài năng trẻ xuất sắc

Giải thưởng Khoa học kỹ thuật Thanh niên “Quả Cầu Vàng” năm 2013 sẽ được trao cho 10 tài năng trẻ xuất sắc.

Tối 23/12, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Giải thưởng Khoa học kỹ thuật Thanh niên “Quả Cầu Vàng” năm 2013 sẽ được trao cho 10 tài năng trẻ xuất sắc trong 4 lĩnh vực: Công nghệ thông tin và truyền thông; Công nghệ y-dược; Công nghệ sinh học và Công nghệ môi trường.

Chị Nguyễn Thị Hà, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng kết nối tài năng trẻ Việt Nam cho biết năm nay, Ban Tổ chức đã nhận được 38 hồ sơ của 20 tỉnh, thành, cơ quan, doanh nghiệp và các trường đại học trên cả nước.

Tất cả các gương mặt được đề cử đều là những tài năng trẻ xuất sắc, đã có nhiều thành tích trong lĩnh vực đề cử xét trao giải. Các công trình đạt Giải thưởng Quả Cầu Vàng năm nay có chất lượng cao hơn, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, bốn giải thưởng sẽ được trao cho tiến sỹ Tạ Hải Tùng, Giám đốc Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ định vị sử dụng vệ tinh (NAVIS), Trường Đại học Bách Khoa, Hà Nội có nhiều công trình khoa học công bố quốc tế và đặc biệt là tác giả chính của 2 sản phẩm công nghệ định vị sử dụng vệ tinh (bộ thu định vị đa hệ thống NAVISOFT và bộ thu định vị độ chính xác cao NAVISA).

Đây là 2 sản phẩm lần đầu tiên được phát triển tại Việt Nam, giúp nâng cao chất lượng các dịch vụ định vị cả về độ chính xác, độ sẵn sàng và độ tin cậy của dịch vụ định vị.

Sản phẩm đang được ứng dụng hiệu quả, thay thế nhập ngoại và thúc đẩy ứng dụng định vị vệ tinh tại Việt Nam. Tiến sỹ Phan Xuân Hiếu, giảng viên Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội có nhiều công trình nghiên cứu được đăng ở các tạp chí và hội nghị quốc tế có uy tín, trong số đó có những công trình được trích dẫn nhiều lần và được ứng dụng vào công nghiệp như quảng cáo theo ngữ cảnh ở mạng quảng cáo eClick (FPT-VnExpress), hệ thống gợi ý tin tức theo sở thích trên mạng xã hội Zing Me (VNG), phát triển các phần mềm mã nguồn mở trong lĩnh vực khai phá dữ liệu và xử lý ngôn ngữ tự nhiên phục vụ cho nghiên cứu và ứng dụng như FlexCRFs, GibbsLDA++, JVnTextPro, JtextPro...

Lê Yên Thanh, sinh viên trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nhiều năm đạt giải cao các kỳ thi Tin học quốc gia, đặc biệt đã giành giải nhất cuộc thi lập trình sinh viên quốc tế ACM/ICPC vòng online năm 2012-2013 và giải nhì cuộc thi lập trình sinh viên quốc tế ACM/ICPC khu vực châu Á năm 2012-2013.

Tiến sỹ Lê Văn Cảnh, Phó trưởng bộ môn kỹ thuật xây dựng, Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc Gia Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin và phần mềm tính toán được áp dụng vào công tác thiết kế các công trình xây dựng góp phần tiết kiệm và giảm chi phí.

Đối với lĩnh vực y-dược có ba giải thưởng thuộc về thạc sỹ Nguyễn Lê Việt Hùng, bác sĩ, giảng viên Bộ môn Nhi khoa Đông y, Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều nghiên cứu giúp điều trị việc hủy hoại tế bào gan, tăng men gan trong những trường hợp ngộ độc gan do rượu bia, thuốc giảm đau hạ sốt, kháng viêm.

Bác sỹ Huỳnh Văn Bình-Khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức, Bệnh viện Nhân dân Gia Định Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều nghiên cứu ứng dụng thực tế như giải pháp rút ngắn thời gian thở máy, thời gian nằm hồi sức, giảm tỷ lệ viêm phổi bệnh viện liên quan thở máy và giảm chi phí điều trị cho bệnh nhân hay xác định phác đồ gây mê hồi sức hiện đại trong phẫu thuật U não, tăng hiệu quả điều trị và sự an toàn cho bệnh nhân.

Thạc sỹ Nguyễn Thị Thu Hà, bác sỹ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã nghiên cứu đưa ra giải pháp sử dụng Sonde Foley trong siêu âm bơm nước buồng tử cung góp phần tiết kiệm chi phí, giảm biến chứng, kỹ thuật thực hiện đơn giản và có thể áp dụng rộng rãi với điều kiện Việt Nam nhằm thay thế các loại Sonde đang được sử dụng trong siêu âm bơm nước buồng tử cung hiện nay, vừa đắt tiền, khó tìm và đòi hỏi kỹ năng cao.

Năm nay lĩnh vực sinh học có duy nhất một giải thưởng sẽ được trao cho kỹ sư Võ Khánh Hưng, giảng viên Bộ môn Công nghệ Sinh học, Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh.

Kỹ sư Hưng có nhiều công trình khoa học được công bố trên các tạp chí và hội nghị khoa học chuyên ngành uy tín trong nước và quốc tế, nghiên cứu thành công đề tài “Thử nghiệm sản xuất kit chẩn đoán virus gây bệnh rối loạn sinh sản hô hấp trên heo, bằng kỹ thuật RT-LAMP” nhằm đưa ra các giải pháp thực hiện bằng phương pháp RT-LAMP vừa đơn giản, dễ thực hiện, tiết kiệm thời gian lẫn chi phí so với các phương pháp chẩn đoán khác, là công cụ giúp các nhà quản lý, người chăn nuôi kiểm tra tình hình dịch tễ xuất nhập heo, đánh giá chính xác sức khỏe của đàn heo, phòng và trị bệnh giúp nâng cao hiệu quả chăn nuôi.

Lĩnh vực môi trường có hai giải thưởng cho Thạc sĩ Đàm Thị Lan, Giảng viên Bộ môn Năng lượng và Môi trường, Viện Khoa học và Kỹ thuật Môi trường, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Thạc sỹ Lan đã nghiên cứu chế tạo “Lò đốt chất thải rắn sinh hoạt BD-ANPHA” hoạt động dựa trên cơ sở đối lưu tự nhiên, xử lý chất thải rắn bằng phương pháp đốt không cần sử dụng thêm bất kỳ nhiên liệu nào để đốt kèm như dầu, gas và xử lý nhanh lượng rác thải ra ngay trong ngày nên hạn chế tối đa việc gây ô nhiễm môi trường, rất tiện ích cho việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt phân tán, công suất nhỏ ở Việt Nam trong điều kiện hiện nay, nhất là ở các cụm dân cư khu vực nông thôn, miền núi và hải đảo.

 

Thạc sỹ Trần Đại Nghĩa, Phó trưởng Phòng Kỹ thuật An toàn và Môi trường, công ty cổ phần Supe Phốt Phát Lâm Thao đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng suất, tiết kiệm chi phí và đảm bảo giữ gìn môi trường cho Công ty như: giải pháp công nghệ để tận thu axít H2SO4 loãng từ quá trình tái sinh các máy cation tại bộ phận lọc nước hóa học của xí nghiệp axít đưa quay trở lại sản xuất nhằm tiết kiệm, giảm chi phí và cải thiện môi trường làm việc; giải pháp xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ triển khai cuộc diễn tập ứng phó sự cố rò rỉ hóa chất quy mô quốc gia một cách hợp lý, tiết kiệm được nhiều chi phí và đã tổ chức diễn tập thành công, đảm bảo an ninh, an toàn.

Hiện diện ở khắp các lĩnh vực, các tỉnh, thành, ngành, các cơ quan đơn vị, đối tượng nghề nghiệp, trình độ học... các Quả Cầu Vàng năm 2013 để lại dấu ấn với nhiều công trình có giá trị khoa học cao, ứng dụng thực tiễn giải quyết những vấn đề cấp bách của đời sống xã hội.../.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục