Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 27/4, quyền Điều phối viên nhân đạo và thường trú của Liên hợp quốc tại Sudan, ông Abdou Dieng cho biết giao tranh dữ dội giữa Các Lực lượng Vũ trang Sudan và Các lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF), lực lượng bán quân sự chính ở Sudan, vẫn tiếp diễn, khiến cho tình hình nhân đạo ở nước này ngày càng nghiêm trọng, bất chấp thỏa thuận ngừng bắn mà hai bên đạt được.
Phát biểu từ thành phố Port Sudan bên bờ Biển Đỏ của Sudan, ông Dieng nói rằng các phe tham chiến tại Sudan đã không tôn trọng một số điều khoản của thỏa thuận ngừng bắn. Theo ông, hoạt động cứu trợ nhân đạo ở Sudan hiện "cực kỳ khó khăn" và người dân "cực kỳ dễ bị tổn thương."
Quan chức Liên hợp quốc nói thêm hàng triệu dân thường Sudan đang rất cần lương thực, chỗ ở, nước sạch và viện trợ y tế. Xung đột vũ trang đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm người và khiến hàng nghìn người khác bị thương, bao gồm cả những người làm công tác nhân đạo.
Theo Bộ Y tế Sudan, ít nhất 512 người đã thiệt mạng và 4.200 người bị thương kể từ khi giao tranh bắt đầu nổ ra ngày 15/4. Bên cạnh đó, tình trạng cướp bóc diễn ra tràn lan trên khắp đất nước, đặc biệt là tại các nhà kho chứa hàng viện trợ nhân đạo và lương thực.
Ông Dieng cho hay khoảng 60% cơ sở chăm sóc sức khỏe ở Sudan đã đóng cửa hoặc bị phá hủy, lưu ý rằng các cuộc giao tranh đã làm phức tạp thêm tình hình cứu trợ nhân đạo ở nước này.
Liên hợp quốc đã cung cấp viện trợ cho khoảng 15 triệu người ở Sudan, bao gồm cả những người di tản trong nước và người tị nạn. Liên hợp quốc đang kêu gọi các nhà tài trợ quốc tế cung cấp khoản viện trợ 1,7 tỷ USD để hỗ trợ hàng triệu người ở Sudan, song đến nay Liên hợp quốc chỉ nhận được cam kết khoảng 200 triệu USD.
Trong khi đó, hàng nghìn dân thường Sudan đang chạy trốn sang các nước láng giềng Ai Cập, Chad, Ethiopia hoặc Nam Sudan để tránh xung đột. Các quốc gia trên thế giới đang khẩn trương triển khai các hoạt động sơ tán khẩn cấp để đưa công dân của họ đến nơi an toàn.
[Cuộc xung đột ở Sudan khiến các nước láng giềng náo loạn]
Theo ông Dieng, các nhân viên của Liên hợp quốc còn lại ở Sudan đã di tản đến thành phố Port Sudan từ thủ đô Khartoum, nơi giao tranh diễn ra ác liệt nhất và tình hình an ninh đặc biệt nguy hiểm và khó lường. Do các sân bay ở Sudan không còn hoạt động, nhiều người nước ngoài đã được đưa đến cảng ở Port Sudan để đăng ký lên tàu vượt Biển Đỏ đến thành phố Jeddah của Saudi Arabia.
Ông Dieng cho rằng các bên cần phải ngừng giao tranh để tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động nhân đạo, đồng thời kêu gọi thiết lập các hành lang nhân đạo để vận chuyển hàng viện trợ.
Theo quan chức Liên hợp quốc, giao tranh ác liệt và các điều kiện nguy hiểm trên khắp Sudan khiến cho việc đánh giá chính xác toàn bộ quy mô của cuộc khủng hoảng nhân đạo trở nên rất khó khăn.
Quân đội Sudan và RSF trước đó đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn 3 ngày do Mỹ và Saudi Arabia làm trung gian, hết hạn vào cuối ngày 27/4. Theo hãng tin Reuters, quân đội Sudan và RSF ngày 27/4 đã nhất trí gia hạn thỏa thuận ngừng bắn hiện tại thêm 72 giờ./.