Quan điểm của Việt Nam về việc tiếp nhận công dân trở về từ Anh

Phó Phát ngôn viên Đoàn Khắc Việt cho biết việc tiếp nhận trở lại công dân Việt Nam đã được thực hiện trên cơ sở các thỏa thuận giữa hai bên Việt Nam và Anh căn cứ trên luật pháp và thông lệ quốc tế.
Quan điểm của Việt Nam về việc tiếp nhận công dân trở về từ Anh ảnh 1Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Chiều 29/4, tại Họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, Phó Phát ngôn viên Đoàn Khắc Việt đã chia sẻ quan điểm về việc tiếp nhận công dân Việt Nam trở về từ Vương quốc Anh.

Phó Phát ngôn viên Đoàn Khắc Việt cho biết việc tiếp nhận trở lại công dân Việt Nam đã được thực hiện trên cơ sở các thỏa thuận giữa hai bên Việt Nam và Anh căn cứ trên luật pháp và thông lệ quốc tế, trong đó có Bản ghi nhớ giữa Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland ngày 28/10/2004 về các vấn đề di cư, đảm bảo các quyền và lợi ích chính đáng của công dân, phù hợp với quy định của pháp luật hai nước.

[Việt Nam sẵn sàng phối hợp với các nước chống tội phạm mua bán người]

Phó Phát ngôn viên Đoàn Khắc Việt nêu rõ: "Việt Nam mong muốn phía Anh luôn tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt tại Anh hội nhập và đóng góp vào sự phát triển thịnh vượng của Vương quốc Anh, đồng thời góp phần tích cực thúc đẩy quan hệ hai nước. Chính phủ Việt Nam chủ trương thúc đẩy di cư hợp pháp, an toàn và trật tự, đồng thời kiên quyết đấu tranh phòng, chống di cư trái phép, đưa người di cư trái phép và mua bán người."

Theo Phó Phát ngôn viên Đoàn Khắc Việt, mới đây nhất, ngày 9/2, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến 2030, trong đó có nhiệm vụ tăng cường đấu tranh ngăn chặn mua bán người trong các hoạt động di cư quốc tế.

Việt Nam cũng đang tiếp tục nỗ lực thực hiện các mục tiêu của Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự theo Kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 20/3/2020 nhằm tạo môi trường di cư minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người di cư.

Việt Nam đã và đang đẩy mạnh hợp tác với các nước, các tổ chức, trong đó có Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế Interpol nhằm ngăn chặn, phát hiện, điều tra, xử lý các đường dây đưa người di cư trái phép theo quy định của pháp luật.

Việt Nam sẵn sàng trao đổi, phối hợp với các quốc gia nhằm xử lý kịp thời các vụ việc có liên quan, bảo đảm việc di cư hợp pháp, an toàn, vì quyền và lợi ích chính đáng của người di cư./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục