Quan hệ của Mỹ và Anh giữa "cơn bão" Huawei

Những tranh luận về Huawei có thể tạo ra rào cản đáng kể cho an ninh quốc gia đối với quan hệ đặc biệt giữa Mỹ và Anh, hiện đang được dẫn dắt bởi hai nhà lãnh đạo dân túy bảo thủ cùng chí hướng.
Quan hệ của Mỹ và Anh giữa "cơn bão" Huawei ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)

Theo trang mạng foreignpolicy.com, một trong những bất đồng nghiêm trọng đầu tiên giữa Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nổ ra khi Vương quốc Anh vừa thách thức Nhà Trắng bằng quyết định không cấm các thiết bị do “gã khổng lồ” công nghệ Huawei của Trung Quốc sản xuất được sử dụng trong mạng không dây tốc độ cao thế hệ thứ năm (5G) của nước này.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đưa ra một cảnh báo rõ ràng về Trung Quốc trong chuyến thăm London hôm 30/1, bày tỏ sự bất an của Mỹ trước quyết định của Anh, cho dù ông đang mong muốn thiết lập mối quan hệ mạnh mẽ giữa hai nước trong bối cảnh Anh chuẩn bị rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là vấn đề Brexit.

Các quan chức và nhà lập pháp Mỹ lo ngại vai trò của Huawei trong việc xây dựng mạng 5G có thể được sử dụng như một đầu cầu để các cơ quan gián điệp Trung Quốc xâm nhập vào cơ sở hạ tầng truyền thông phương Tây.

Ông Pompeo phát biểu trong một sự kiện với Ngoại trưởng Anh Dominic Raab: “Chúng tôi đã cố gắng tranh luận, như những gì chúng tôi từng tranh luận với mọi quốc gia trên thế giới, rằng chúng tôi nghĩ việc đưa công nghệ Huawei vào bất cứ nơi nào trong hệ thống của bạn là rất, rất khó để giảm thiểu thiệt hại và do đó, không đáng để mạo hiểm.”

[Mỹ thất vọng về việc Anh cho phép Huawei tham gia phát triển mạng 5G]

Tuy nhiên, những cuộc tranh luận về Huawei có thể tạo ra những rào cản đáng kể cho phía an ninh quốc gia đối với cái được gọi là “quan hệ đặc biệt” giữa Washington và London, hiện đang được dẫn dắt bởi hai nhà lãnh đạo dân túy bảo thủ cùng chí hướng.

Thủ tướng Johnson, người luôn thúc đẩy thông qua thỏa thuận Brexit với EU sau 3 năm đàm phán hỗn độn, đang trông mong vào việc nhanh chóng tiến tới một thỏa thuận thương mại Mỹ-Anh mới để giảm bớt những lo ngại về việc Anh rời khỏi thị trường chung EU.

Trong một tuyên bố, Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Ben Sasse - một thành viên của Ủy ban Tình báo Thượng viện - nói: “Đây là một sự thực đáng buồn: quan hệ đặc biệt của chúng ta đang ít đặc biệt hơn sau khi Vương quốc Anh chấp nhận tình trạng bị cộng sản giám sát khi hợp tác với Huawei. Đảng Cộng sản Trung Quốc đã dùng Huawei để “đầu độc” liên minh tình báo Five Eyes (gồm Australia, Canada, New Zealand, Vương quốc Anh và Mỹ), ngay tại thời điểm Mỹ và Anh phải được thống nhất để đáp ứng những thách thức an ninh toàn cầu đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc.”

Một quan chức chính phủ Anh cho biết các thành viên của chính quyền Trump đã truyền tải sự thất vọng của họ trước quyết định này với các đối tác Anh “thẳng thắn một cách hợp lý.”

Tuy nhiên, vị quan chức này cũng đã bảo vệ quyết định của Anh, nhấn mạnh rằng mặc dù đây không phải là điều Nhà Trắng muốn, song nó vẫn giải quyết “theo một cách rất nghiêm túc” những mối lo ngại của cả hai chính phủ về an ninh mạng 5G.

Trong một quyết định được công bố vào tuần này, Chính phủ Anh sẽ cấm các dịch vụ và phần cứng của Huawei khỏi các mạng an ninh quốc gia “cốt lõi” của Vương quốc Anh, thứ mà các quan chức Mỹ cho rằng sẽ giảm thiểu rủi ro bảo mật đối với các thông tin tình báo nhạy cảm, bao gồm cả những gì họ chia sẻ với Mỹ.

Ngoài ra, sự hiện diện của Huawei trong mạng lưới “không cốt lõi” - mà phần lớn công chúng Anh sẽ sử dụng - đã được giới hạn ở mức 35%.

Quan chức trên nói: “Chúng tôi không xem xét bất kỳ lựa chọn nào có thể gây nguy hiểm cho lợi ích an ninh quốc gia của chúng tôi. Huawei chưa bao giờ và sẽ không bao giờ được xuất hiện trong các mạng lưới nhạy cảm nhất của chúng tôi. Việc chia sẻ thông tin tình báo hoàn toàn được bảo vệ.”

Tuy nhiên, một số nhà lập pháp Mỹ dường như không đồng tình với một số thượng nghị sỹ hàng đầu của đảng Cộng hòa khi cảnh báo rằng họ sẽ xem xét lại các hiệp ước chia sẻ thông tin tình báo lâu dài với Chính phủ Anh.

Dân biểu Abigail Spanberger, một nghị sỹ đảng Dân chủ và cựu nhân viên của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), cho biết bà đã phản ứng với tin tức Anh sẽ không cấm Huawei tham gia mạng 5G của họ bằng “một tiếng thở dài lo ngại.”

Bà nói trong một cuộc phỏng vấn rằng: “Tôi nghĩ đây là một chỉ dấu nữa cho thấy giờ là lúc hành động. Và chúng ta cần phải hành động ngay hôm nay vì chúng ta đã cần phải hành động từ hôm qua.”

Một số nhà lập pháp và các quan chức Mỹ đã bày tỏ lo ngại rằng đã quá trễ để Mỹ khởi động một chiến dịch chống lại Huawei khi mà tập đoàn này suốt bao nhiêu năm qua đã đặt nền tảng cho cơ sở hạ tầng 5G và chẳng có nhiều lựa chọn thay thế khả thi từ các công ty phương Tây.

Bà Spanberger đã đồng tài trợ một dự luật yêu cầu chính quyền đưa ra một chiến lược chưa được phân loại về việc bảo đảm cơ sở hạ tầng 5G. Ông Trump đã đặt Vương quốc Anh và các đồng minh châu Âu khác vào vị trí khó khăn với Huawei vì các nhà cung cấp châu Âu - chẳng hạn như Nokia và Ericsson - đã bị tụt lại rất xa khi chuyển sang 5G, thứ sẽ cung cấp khả năng kết nối nhanh hơn đáng kể để thực hiện tiềm năng phát triển mới của trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn.

Đối với Anh nói riêng, Vương quốc Anh đã lắp đặt các thiết bị của Huawei trong các mạng lưới của mình kể từ năm 2003.

Thủ tướng Anh đã cam kết cung cấp đầy đủ dịch vụ 5G trên toàn quốc trong vòng một thập kỷ. Một quan chức khác của Anh cho biết việc xây dựng một mạng lưới không có Huawei - bao gồm việc thay thế một số phần cứng và phần mềm hiện có - sẽ khiến thời gian bị “trì hoãn thêm nhiều năm” và tiêu tốn chi phí “rất lớn.”

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng cái giá để nắm lấy Huawei vẫn còn quá lớn. Terry Dunlap, cựu nhân viên điều hành mạng tại Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ, nói: “Điều quan trọng cần lưu ý là Huawei đã xâm nhập thông qua mức giá rất hấp dẫn, đó là kết quả từ sự trợ cấp của Chính phủ Trung Quốc. Chiến lược của họ là dài hạn, dần dần theo thời gian sẽ thêm ngày càng nhiều thiết bị liên lạc cho đến khi chi phí chuyển đổi cuối cùng mà bạn phải chịu từ một lựa chọn thay thế không có trợ cấp sẽ trở nên rất lớn. Chúng ta không thể ‘khôn từng xu, ngu vạn bạc’. Có quá nhiều rủi ro.”

Trong chuyến thăm London, ông Pompeo đã thể hiện sự lo ngại rằng quyết định về Huawei của Anh sẽ gây tổn hại cho mối quan hệ song phương, cho biết ông đã tin rằng "khi chúng ta làm việc cùng nhau để tìm ra cách thực hiện quyết định này, chúng ta sẽ làm việc đó thật đúng đắn.”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục