Quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ đang bước vào "kỷ băng hà"?

Chuyến thăm Bắc Kinh của ông Pompeo đã xuất hiện một số điểm bất thường, dường như phát đi tín hiệu về việc quan hệ Mỹ-Trung bắt đầu bước vào “kỷ băng hà."
Quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ đang bước vào "kỷ băng hà"? ảnh 1(Nguồn: BBC)

Bài phát biểu tại Viện Hudson ở Washington của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence hôm 4/10 được cho là điềm báo căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung tiếp tục leo thang. Và những bất thường trong chuyến thăm Bắc Kinh của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 8/10 vừa qua đã trở thành minh chứng bổ sung.

Gần đây, do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại, Mỹ-Trung nhiều lần trì hoãn hoặc hủy chương trình gặp gỡ giữa quan chức hai nước.

Tháng trước, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo bắt đầu áp thuế bổ sung 10% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ ngày 24/9 và tăng lên 25% từ đầu năm 2019, dẫn tới đòn trả đũa của Trung Quốc nhằm vào 60 tỷ USD hàng hóa của Mỹ. Sau đó, Bắc Kinh đã hủy chuyến công du tới Mỹ của Phó Thủ tướng Lưu Hạc.

Căng thẳng cũng khiến cuộc Đối thoại An ninh Ngoại giao giữa hai bên dự kiến diễn ra trong tháng 10 này bị trì hoãn. Đó là chưa nói tới việc tàu chiến hai nước chút nữa đã va chạm tại khu vực Biển Đông vào ngày 30/9.

Trong bối cảnh đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo có chuyến công du Đông Bắc Á, và Bắc Kinh là một chặng dừng chân. Dù rất quan tâm, nhưng dư luận cơ bản không đặt nhiều kỳ vọng vào chuyến thăm đầy biến số này.

Thực tế sau đó cho thấy chuyến thăm Bắc Kinh của ông Pompeo đã xuất hiện một số điểm bất thường, dường như phát đi tín hiệu về việc quan hệ Mỹ-Trung bắt đầu bước vào “kỷ băng hà."

Thứ nhất, chuyến thăm vội vàng, gặp gỡ trong thời gian “siêu ngắn." Ông Pompeo đến Bắc Kinh vào ngày làm việc đầu tiên ở Trung Quốc sau kỳ nghỉ Quốc khánh. Nếu những thông tin đăng tải trên truyền thông là chính xác, thời gian dừng chân ở Bắc Kinh của Pompeo chỉ khoảng 3 giờ đồng hồ.

Tài khoản bullpiano trên trang mạng xã hội weixin, được cho là có mối liên quan tới truyền thông nhà nước Trung Quốc, cho rằng với khoảng thời gian dừng chân ngắn ngủi như trên, ông Pompeo đã lập kỷ lục mới trong các chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng Mỹ.

Sự vội vàng và bất thường này ít nhiều liên quan tới sự đi xuống trong quan hệ giữa hai nước hiện nay.

Thứ hai, tới Bắc Kinh, ông Pompeo đã gặp những ai? Theo truyền thông Trung Quốc, sau khi tới Bắc Kinh, ông Pompeo lần lượt gặp Ủy viên Quốc vụ kiêm Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Ngoại giao Trung ương Dương Khiết Trì. Tuy nhiên, ông Pompeo lại không được Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp. Thực tế đó được chính Pompeo xác nhận tại một cuộc họp báo: “Không, tôi không gặp ông ấy (Tập Cận Bình)."

Theo tờ Economic Journal, trong chuyến công du 4 nước Đông Bắc Á lần này thì tới Nhật Bản, Triều Tiên và Hàn Quốc, ông Pompeo đều được lãnh đạo tối cao của các nước này gặp gỡ. Tuy nhiên, điều đó đã không diễn ra trong chặng dừng chân ở Bắc Kinh. Việc này không chỉ phá vỡ thông lệ mấy chục năm kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, mà còn phản ánh bước thụt lùi nghiêm trọng trong quan hệ Mỹ-Trung.

Thứ ba, ông Pompeo đã nói gì với quan chức Trung Quốc? Thông tin đăng tải trên trang web Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho thấy ông Pompeo và ông Vương Nghị đã có cuộc trao đổi thẳng thắn, không che đậy.

[Trung Quốc liệu có thể ứng phó với chính sách mới của Mỹ?]

Vừa gặp, Vương Nghị đã nói: “Ngài Bộ trưởng mong muốn tới thăm Trung Quốc, chúng tôi vui lòng gặp ngài." Theo tài khoản bullpiano, phát biểu của Vương Nghị phát đi thông điệp rõ ràng rằng chuyến thăm xuất phát từ mong muốn của phía Mỹ. Nếu nhìn vào các động thái của Mỹ gần đây đối với Trung Quốc, Bắc Kinh vốn dĩ có thể từ chối chuyến thăm của Pompeo, nhưng cuối cùng vẫn đồng ý gặp gỡ.

Sau đó, Vương Nghị chỉ trích việc Mỹ không ngừng leo thang căng thẳng thương mại với Trung Quốc và có một loạt hành vi gây tổn hại tới quyền và lợi ích của Trung Quốc trong nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề Đài Loan, hơn nữa còn vô cớ chỉ trích chính sách đối nội, đối ngoại của Trung Quốc.

Về phần mình, ông Pompeo cũng đề cập tới hợp tác Mỹ-Trung, nhưng trả lời cứng rắn rằng Mỹ-Trung tồn tại “bất đồng căn bản” trên nhiều phương diện. 

Nguyên Trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương dưới thời Tổng thống Barack Obama, ông Daniel Russel, cho rằng việc Ngoại trưởng Mỹ tới Bắc Kinh mà không gặp Chủ tịch nước Trung Quốc, hơn nữa còn bị quan chức nước chủ nhà chỉ trích, là chuyện rất bất bình thường.

Theo ông Russel, sách lược đối kháng của chính quyền Trump rất có thể dẫn tới thái độ cảnh giác của Trung Quốc và khiến Trung Quốc không thể nhượng bộ, làm giảm khả năng đạt được sự nhất trí giữa Trung Quốc và Mỹ trong vấn đề Triều Tiên.

Truyền thông Mỹ - trong đó có Nhật báo phố Wall, Thời báo New York - cho rằng những bất bình thường trong chuyến thăm Bắc Kinh của ông Pompeo đã phủ bóng đen lên quan hệ Mỹ-Trung, cho thấy quan hệ hai nước tiếp tục xấu đi.

Tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn cầu - ông Hồ Tích Tiến - cũng nhận định rằng hiện nay vẫn chưa nhìn thấy điểm đáy trong sự xấu đi của quan hệ Mỹ-Trung./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục