Quan hệ Nga-Nhật có khởi sắc sau đề nghị ký hiệp định hòa bình?

Liệu việc Tổng thống Nga Vladimir Putin bất ngờ tỏ ý sẵn sàng ký hiệp định hòa bình với Nhật Bản ngay trước cuối năm 2018 mà không cần điều kiện tiên quyết có giúp quan hệ Nga-Nhật khởi sắc?
Quan hệ Nga-Nhật có khởi sắc sau đề nghị ký hiệp định hòa bình? ảnh 1Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại cuộc gặp ở Moskva, Nga ngày 26/5. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo Đài RFI/Đài Sputnik, quan hệ khởi sắc giữa Nga và Nhật Bản là chủ đề chính về thời sự châu Á của báo Les Echos (Pháp).

Ngày 12/9, tại Diễn đàn kinh tế ở Vladivostok, còn được mệnh danh là “thượng đỉnh Davos của châu Á,” Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có một tuyên bố được đánh giá là “bất ngờ” khi tỏ ý sẵn sàng ký hiệp định hòa bình với Nhật Bản ngay trước cuối năm 2018 mà không cần điều kiện tiên quyết. Tuyên bố của Putin liệu có phải chỉ mang tính tuyên truyền?

Đến nay, phía Nhật Bản vẫn gắn việc chính thức ký hiệp ước hòa bình (khép lại hoàn toàn trang sử Chiến tranh Thế giới II) với việc giải quyết các tranh chấp về cụm đảo Kuril, mà Nhật Bản gọi là vùng lãnh thổ phương Bắc, hiện do quân đội Nga kiểm soát. Các cuộc đàm phán giữa hai bên không có kết quả, cho dù thủ tướng Nhật Bản đã 22 lần hội kiến tổng thống Nga.

Tuy nhiên, các hợp tác kinh tế Nhật-Nga đang phát triển mạnh có thể khiến tình hình thay đổi. Tại Diễn đàn kinh tế Vladivostok, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng định viễn cảnh hợp tác song phương là “không có giới hạn,” đồng thời trực tiếp giới thiệu với công chúng các đoạn video về những đóng góp của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Nga trong hàng loạt lĩnh vực như xây dựng hải cảng, lắp đặt trang thiết bị mới cho bệnh viện, tái tổ chức giao thông đô thị…

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng nhấn mạnh: “Chúng ta (Nga và Nhật Bản) đã đàm phán trong 70 năm qua. Chúng ta hãy cũng nhau thay đổi cách tiếp cận.”

Đáp lời, nhà lãnh đạo Nga nói: “Vâng, chúng ta hãy cũng nhau làm điều đó. Tôi vừa nảy ra ý tưởng: chúng ta hãy ký hiệp ước hòa bình - không phải ngay bây giờ… nhưng trước khi kết thúc năm 2018, mà không cần bất kỳ điều kiện tiên quyết nào.”

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho rằng việc chưa có hiệp ước hòa bình giữa Tokyo và Moskva là một tình huống bất thường.

[Nga-Nhật phê chuẩn lộ trình về các dự án chung trên quần đảo Kuril]

Trao đổi với Đài Sputnik, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản tại Viện Viễn Đông Valery Kistanov nói: "Từ nay đến cuối năm 2018 chỉ còn mấy tháng nữa, trong khi quan điểm nguyên tắc của chúng ta (Nga) với Nhật Bản hoàn toàn bất đồng... Thế nhưng, Thủ tướng Shinzo Abe không mất hy vọng, ông sẽ thúc đẩy vấn đề lãnh thổ, có lẽ sẽ ký hiệp ước hòa bình.

Trong lĩnh vực này, ông tin tưởng vào Vladimir Putin, nếu nỗ lực cùng với nhau, với tư cách là hai nhà lãnh đạo có sức lôi cuốn, họ có thể giải quyết vấn đề này. Thủ tướng Nhật Bản được khích lệ bởi thực tế Putin vẫn còn thời hạn tổng thống, bản thân Abe hy vọng sẽ thắng cử chức Chủ tịch Đảng Dân chủ-Tự do, sẽ diễn ra ngày 20/9, điều đó tạo cơ hội để ông trở thành thủ tướng thêm 3 năm nữa.

Abe hy vọng trong vòng 3 năm, ông và Tổng thống Putin sẽ tìm kiếm giải pháp cho vấn đề tranh chấp lãnh thổ.”

Nhật Bản tuyên bố chủ quyền đối với các đảo Kunashir, Shikotan, Iturup và Habomai, đề cập đến Hiệp ước song phương về Thương mại và Biên giới năm 1855. Lấy lại các đảo là điều kiện Nhật Bản nêu ra để ký kết hiệp ước hòa bình với Nga, hiếp ước mà kể từ khi kết thúc Chiến tranh Thế giới II vẫn chưa được ký kết.

Năm 1956, Liên Xô và Nhật Bản đã ký một Tuyên bố chung, trong đó Moskva đồng ý xem xét khả năng chuyển Habomai và Shikotan cho phía Nhật Bản sau khi ký kết hiệp ước hòa bình, trong khi số phận của Kunashir và Iturup không đề cập đến.

Liên Xô hy vọng văn kiện như vậy sẽ chấm dứt tranh chấp, nhưng Nhật Bản coi tài liệu đó chỉ là một phần của giải pháp cho vấn đề này. Các cuộc đàm phán sau đó không dẫn đến bất cứ kết quả gì.

Quan điểm của Moskva nêu rõ: Quần đảo Nam Kuril trở thành một phần của Liên Xô sau Chiến tranh thế giới II và chủ quyền của Nga đối với chúng được đăng ký pháp lý quốc tế thích hợp, vì vậy đó là điều không thể nghi ngờ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục