Quan hệ thương mại Mỹ-Trung Quốc: Cần nhiều năm để tốt đẹp trở lại

Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho rằng quan hệ thương mại giữa hai nước sẽ không tránh khỏi những căng thẳng trong thời gian tới và cần nhiều năm tiếp theo để trở lại thời kỳ tốt đẹp.
Quan hệ thương mại Mỹ-Trung Quốc: Cần nhiều năm để tốt đẹp trở lại ảnh 1Quần áo sản xuất tại Trung Quốc được bày bán tại cửa hàng ở New York, Mỹ ngày 22/3. (Nguồn: THX/TTXVN)

Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc đang có chiều hướng gia tăng sau khi giới chức hai nước đưa ra những tuyên bố bảo vệ quan điểm của mình.

Phát biểu trên kênh truyền hình CNBC ngày 28/3, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer tuyên bố Trung Quốc sẽ có 60 ngày để chuẩn bị trước khi các mức thuế mới của Mỹ đối với lượng hàng hóa trị giá 60 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc chính thức có hiệu lực. Washington sẽ sớm công bố danh sách các hàng hóa bị đánh thuế này.

Đại diện Thương mại Lighthizer cho rằng Mỹ và Trung Quốc là hai quốc gia có các hệ thống kinh tế khác nhau và phải đối mặt với những sức ép khác nhau.

Cụ thể, Washington là một nền kinh tế theo định hướng thị trường, trong khi Bắc Kinh là đi theo định hướng tư bản nhà nước.

[Trung Quốc không mong muốn một cuộc chiến thương mại với Mỹ]

Ông Lighthizer nhấn mạnh do sự khác biệt này, quan hệ thương mại giữa hai nước sẽ không tránh khỏi những căng thẳng trong thời gian tới và cần nhiều năm tiếp theo để trở lại thời kỳ tốt đẹp.

Quan chức thương mại Mỹ tránh đề cập tới các cuộc thảo luận mới đây giữa giới chức hai nước, trong đó đáng chú ý là cuộc gặp giữa Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin với Phó Thủ tướng kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Tiểu tổ Tài chính và Kinh tế Trung ương Trung Quốc Lưu Hạc.

Nội dung cuộc gặp được thông báo là về thâm hụt thương mại giữa hai nước và hai bên đã cam kết tiếp tục đối thoại tìm một giải pháp hợp lý cho cả đôi bên về việc cắt giảm mức thuế.

Trong một diễn biến mới nhất, ngày 29/3, Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định nước này không muốn xảy ra chiến tranh thương mại với Mỹ, song cũng nêu rõ rằng cách tiếp cận của Mỹ đối với thương mại đang đặt ra một tiền lệ xấu, có thể kéo theo hiệu ứng domino.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, người phát ngôn bộ trên cho rằng các biện pháp thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc là điển hình của chủ nghĩa bảo hộ thương mại và là lối hành xử của thời Chiến tranh Lạnh.

Cuộc điều tra theo điều khoản 301 của Mỹ đối với Trung Quốc là sự vi phạm trắng trợn đối với các quy tắc của Tổ chức Thương mại thế giới.

Bộ Thương mại Trung Quốc một mặt khẳng định Bắc Kinh sẽ làm mọi cách để bảo vệ lợi ích của mình và sẵn sàng đương đầu với chủ nghĩa bảo hộ thương mại và đầu tư.

Mặt khác, bộ trên cũng bày tỏ hy vọng rằng Washington sẽ có biện pháp phù hợp để giải quyết mâu thuẫn hiện nay thông qua đối thoại để bình thường hóa quan hệ thương mại giữa hai nước.

Điều khoản 301 trong Đạo luật Thương mại ban hành năm 1974 của Mỹ cho phép tổng thống áp dụng mọi biện pháp phù hợp nếu có kết quả điều tra chỉ ra các hoạt động trao đổi thương mại với nước khác làm tổn hại tới thương mại quốc gia.

Dựa theo kết quả một cuộc điều tra theo điều khoản 301 mà chính quyền Mỹ đã tiến hành từ tháng 8/2017, ngày 22/3 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký bản ghi nhớ cho phép đánh thuế các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá khoảng 60 tỷ USD , chủ yếu nhắm vào các lĩnh vực mà Washington cho rằng Bắc Kinh đã "ăn cắp" công nghệ của Mỹ và hạn chế các hoạt động đầu tư từ Trung Quốc vào thị trường Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục