Phiên chất vấn Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chiều 11/11 nóng lên khi nhiều vấn đề liên quan đến đất đai được đại biểu đề cập.
Đặt câu hỏi về trách nhiệm của người đứng đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư khi để xảy ra việc chuyển nguồn rất lớn vốn đầu tư công thời gian qua, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) chất vấn: "Khi đi giám sát tại địa phương, chúng tôi được nghe trách nhiệm đó thuộc về Trung ương, xong khi làm việc với Bộ chủ quản thì chúng tôi lại được nghe nguyên nhân đó thuộc về địa phương. Ngày hôm nay có cả Trung ương và địa phương trong hội trường này, đề nghị Bộ trưởng làm rõ vấn đề này."
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết dự án của địa phương thì địa phương phải chịu trách nhiệm, dự án của Trung ương thì Trung ương phải chịu trách nhiệm. Cấu phần nào dự án của Trung ương trên địa bàn có liên quan đến địa phương và đã giao cho địa phương thì địa phương phải chịu trách nhiệm.
Ví dụ cụ thể vấn đề khó nhất của các dự án Trung ương trên địa bàn là giải phóng mặt bằng, Bộ trưởng giãi bày: “Nếu giao cho địa phương thì địa phương mới chịu trách nhiệm, còn nếu không giao thì thực hiện vẫn là của địa phương nhưng trách nhiệm vẫn của Trung ương, tức là của bộ quản lý ngành."
Trong Đề án tách bồi thường và hỗ trợ tái định cư ra khỏi dự án đầu tư công sắp tới trình Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang trình riêng phần giải phóng mặt bằng này giao lại cho địa phương và địa phương có thể dùng cả ngân sách của Trung ương cấp qua Bộ để thực hiện, hoặc có thể dùng cả ngân sách địa phương để giải phóng mặt bằng đó, sẽ linh hoạt hơn, chủ động và nhanh hơn.
“Chúng tôi cho rằng nếu tách được chuyện đó và giao hẳn cho địa phương với trách nhiệm đó thì sẽ phân bạch rõ ràng trách nhiệm trung ương hay địa phương đối với cả một dự án của Trung ương trên địa bàn," Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.
Trả lời chất vấn của đại biểu Vũ Thị Liên Hương (Quảng Ngãi) liên quan đến vấn đề sử dụng đầu tư công để giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch rồi tiến hành đấu giá, tư lệnh ngành kế hoạch và đầu tư cho hay vừa qua, khi nghiên cứu đề án tách giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư ra khỏi dự án, Bộ đã tính toán đến, nhưng thực tế đây là một vấn đề rất phức tạp. Chỉ có quy hoạch mà chưa có dự án, tức là chưa có chủ trương đầu tư, chưa có quyết định đầu tư mà đã dùng tiền ngân sách để giải phóng mặt bằng, đền bù, tạo quỹ đất sạch, nếu không đấu giá được thì đây lại là một dự án treo và dẫn đến thất thoát, lãng phí rất lớn.
[Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, các dự án sử dụng vốn ODA]
Còn nếu đấu giá được và đưa vào một dự án cụ thể được sẽ rất tốt cho nền kinh tế. Bộ sẽ phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, có giải pháp, vì liên quan rất nhiều đến Luật Đất đai.
Tranh luận với Bộ trưởng khi trả lời các đại biểu về những vướng mắc xung quanh câu chuyện giải phóng mặt bằng làm ảnh hưởng, chậm tiến độ dự án, đại biểu Vũ Trọng Kim (Nam Định) đặt vấn đề về việc đầu tư “núp bóng."
Liên hệ lại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, đại biểu từng chất vấn phải làm cho rõ ràng việc nhà đầu tư Trung Quốc nắm giữ quyền sử dụng đất, trong đó có đất biên giới và ven biển, và hiện vẫn còn tình trạng người Việt Nam tiếp tục “núp bóng” mua cho người nước ngoài và chuyển nhượng quyền sử dụng đất, đại biểu Vũ Trọng Kim đề nghị các bộ, ngành, nhất là Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm rõ kế hoạch sử dụng đất đai trong phạm vi 10 năm tới.
Ông cũng đặt câu hỏi: “Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiến hành giám sát, kiểm tra như thế nào, đề nghị Chính phủ sửa đổi nội dung gì trong Luật Đất đai và Luật Đầu tư."
Theo đại biểu, vấn đề đầu tư trên không đảm bảo cho quá trình phát triển, sử dụng đất đai của chúng ta trong thời gian tới đây.
Cho biết "đây là một vấn đề rất lớn và thực sự chúng tôi cũng chưa có điều kiện để nắm rõ một cách chính xác tình hình thực tế ở các địa phương này ra sao," Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định với trách nhiệm của mình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ nghiên cứu để tham mưu cho Chính phủ có những chính sách quản lý đất đai, giải quyết tình trạng các nhà đầu tư nước ngoài "núp bóng" dưới danh nghĩa là các doanh nghiệp, cá nhân của Việt Nam để thâu tóm và đang chiếm giữ, đặc biệt ở những vùng ven biển hay vùng sát biên giới - những vùng hết sức nhạy cảm.
"Chúng tôi ghi nhận và đánh giá rất cao ý kiến này của đại biểu Vũ Trọng Kim, cho phép chúng tôi tìm hiểu và nghiên cứu sẽ báo cáo lại với Chính phủ và Quốc hội sau," Bộ trưởng bày tỏ./.