Thương mại điện tử xuyên biên giới đang ngày càng bùng nổ mạnh mẽ tại nhiều quốc gia phát triển. Đây cũng là lĩnh vực được đánh giá có nhiều tiềm năng và phù hợp với những lợi thế sẵn có Quảng Ninh.
Là một trong 7 tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Quảng Ninh nằm ở vị trí chiến lược, thuận lợi có đường biên giới cả trên bộ, trên biển và trên không với Trung Quốc - một thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn đứng đầu thế giới, là “cửa ngõ” của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam và các nước ASEAN sang Trung Quốc và ra thế giới.
Nhằm thúc đẩy các hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới, tỉnh Quảng Ninh đã tích cực đẩy mạnh các chương trình hội nghị, tọa đàm, tập huấn và tuyên truyền các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế biên mậu, du lịch, nông nghiệp, giúp doanh nghiệp trong tỉnh nắm vững các quy định đối với từng lĩnh vực hàng hóa cụ thể.
Tỉnh đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử gắn với hoạt động chuyển đổi số toàn diện; thực hiện thông tin, hướng dẫn liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hóa sang các đối tác đã ký các hiệp định thương mại điện tử do (FTA) với Việt Nam, như Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN (AFTA), Hiệp định Khung về Hợp tác Kinh tế ASEAN-Trung Quốc, Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN-Trung Quốc để thành lập khu vực thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc; các hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA...
[Quảng Ninh hướng tới kinh tế số, chuyển dịch kinh tế từ nâu sang xanh]
Qua đó, giúp cho các doanh nghiệp trong tỉnh từng bước bắt kịp xu hướng sử dụng các nền tảng thương mại điện tử để tiếp cận khách hàng trong nước và quốc tế, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Theo báo cáo Chỉ số Thương mại Điện tử Việt Nam năm 2022 do Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam công bố, Chỉ số Thương mại Điện tử của Quảng Ninh năm 2022 xếp hạng 11 trong tổng số 58 tỉnh, thành phố được khảo sát.
Doanh số Thương mại Điện tử nội địa năm 2022 ước chiếm 12% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.
Tỷ lệ dân số Quảng Ninh tham gia mua sắm trực tuyến đạt trên 40%; giá trị giao dịch thương mại điện tử của doanh nghiệp xuất, nhập khẩu trên địa bàn tỉnh chiếm khoảng 35% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu.
Trong 7 tháng của năm 2023, dù vẫn còn nhiều khó khăn, song kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh vẫn tăng 13,6% so với cùng kỳ 2022, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của thương mại điện tử.
Tuy nhiên, cùng với những lợi thế thì việc đưa thương mại điện tử xuyên biên giới vào xuất khẩu tại Quảng Ninh cũng đặt ra một số khó khăn và thách thức như các doanh nghiệp phải đối mặt với vấn đề về cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia; một số quy trình hải quan và vận chuyển quốc tế phức tạp; khó khăn trong hệ thống chính sách, pháp luật.
Đây là những vấn đề cần được chú trọng để nâng cao hiệu quả của xuất khẩu trực tuyến và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp.
Tại chương trình tập huấn “Nâng cao kỹ năng thương mại điện tử xuyên biên giới Quảng Ninh 2023” tổ chức tại thành phố Hạ Long cuối tháng 7 vừa qua, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Trung tâm Phát triển Thương mại Điện tử, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) nhấn mạnh Quảng Ninh là một trong những tỉnh dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng kinh tế. Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, Quảng Ninh hoàn toàn có thể phát triển mạnh mẽ thương mại điện tử xuyên biên giới.
Để tận dụng được lợi thế và phát huy hiệu quả sâu rộng, tỉnh Quảng Ninh cần có sự chỉ đạo quyết liệt, nhất quán của người đứng đầu tổ chức, doanh nghiệp. Đồng thời, tăng cường sự tiếp cận với các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương và địa phương.
Tỉnh cũng cần thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử xuyên biên giới, nâng cao tuyên truyền phổ biến pháp luật thương mại điện tử và có các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới, như tiếp cận vốn, logistics, hạ tầng, thông quan hàng hoá qua cửa khẩu./.